Cắt giảm lợi nhuận
Thông thường, cuối năm là dịp để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.
Doanh nghiệp đang “đau đầu” với bài toán lợi nhuận (Ảnh: Vũ Phường)
Những biến động của thế giới đã đẩy giá nguyên - nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là giá dầu cao nhất trong lịch sử. Giá nhân công đồng thời cũng biến động và luôn thiếu hụt. Giá thành vì thế đội lên nhiều lần, sản phẩm, hàng hóa làm ra nhiều nơi bị đình đốn vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ, do đứt gãy chuỗi cung ứng vì chiến tranh, dịch bệnh.
Trong khi thị trường tiêu dùng mua sắm của người dân trong nước khá ảm đạm thì thị trường xuất khẩu cũng không khá hơn là mấy. Để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp hiện nay buộc phải tìm cách xoay sở để vượt qua khó khăn trước mắt, không ít các doanh nghiệp đã chọn giải pháp cắt giảm lợi nhuận.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu thì ngoài câu chuyện cắt giảm chi phí, hạ giá thành, còn phải thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng và tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Đăng Phú – Phó TGĐ công ty Vissan chia sẻ, cầu hiện nay thấp, sản xuất và cung lớn. Chính như vậy, ngoài chuyện rà soát các chi phí để giảm tối thiểu trong thời điểm biến động giá này thì công ty cũng phải cân nhắc việc đưa ra các mặt hàng gì, nhu cầu thị trường ra sao để mang tính ổn định lâu dài. Thậm chí, có những lúc, có những mặt hàng doanh nghiệp phải khuyến mại lên đến 25%-30%.
Các siêu thị phải tung “chiêu” giảm giá “khủng” để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm (Ảnh minh họa – Vũ Long)
Gồng mình chịu lỗ chờ… “thời”
Cũng là một doanh nghiệp đang phải đau đầu cho bài toán đầu vào cũng như đầu ra, ông Trương Chí Thiện – Phó Tổng Giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh nghiệp cung cấp trứng gia cầm sạch chia sẻ, trong cơ cấu giá thành thực phẩm đã có hơn 50% là giá nguyên vật liệu, 30% là chi phí nhân công, còn riêng xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10%.
Dù xăng dầu đã giảm, tuy nhiên giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn chưa giảm tương ứng, bên cạnh đó là sức ép từ chương trình bình ổn giá thị trường của nhiều địa phương đã buộc doanh nghiệp phải gồng mình chịu lỗ chờ “thời”.
Ông Thiện cho biết thêm, chi phí về thức ăn chăn nuôi, chi phí về logistic, rồi chi phí tiền lương của công nhân cũng đều phải tăng. Tuy chi phí đầu vào tăng như vậy nhưng thị trường mua không được tốt, do đó, có thể nói thời điểm này các doanh nghiệp đang gặp sức ép rất lớn.
Doanh nghiệp phải chấp nhận và xem như đó là chi phí để kích cầu cho thị trường, nên giai đoạn này doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề lợi nhuận để làm sao đưa được những sản phẩm với giá tốt nhất phục vụ cho người tiêu dùng, ông Trương Chí Thiện tâm tư.
Thêm vào đó, trong bối cảnh để không lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các ngân hàng đang thực hiện chủ trương siết chặt thị trường tiền tệ, hạn chế cho vay để tránh rủi ro. Doanh nghiệp vì thế đã gồng gánh nhiều áp lực giờ lại chồng chất những mối lo mới, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm.
Để doanh nghiệp không bị “hụt hơi”
Mục tiêu, kế hoạch gần như xa tầm với, trong khi các chi phí như lương công nhân, mặt bằng, kho bãi vẫn phải trả. Theo các chuyên gia, ngay lúc này, các cơ quan quản lý phải “xắn tay” hỗ trợ doanh nghiệp nhiều nhất.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất, có hiệu quả cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Vũ Phường)
Theo Tiến sĩ Trần Dục Thức – Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trước mắt là việc khẩn trương hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ điều kiện được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% nhanh nhất. Ngân hàng thực hiện các chính sách nới room tín dụng, cung cấp thêm “oxy” để giúp doanh nghiệp không bị “gục ngã” vì thiếu vốn. Vì vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì và mở rộng sản xuất, nhất là thực hiện được các hợp đồng, đơn đặt hàng cho dịp cuối năm. Vấn đề bất ổn thị trường xăng dầu, giá cả leo thang cũng chính là nguyên nhân bài toán chi phí tăng vọt mà doanh nghiệp đang rất đau đầu. Việc điều tiết, bình ổn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất lúc này vì thế rất cần thiết.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, việc mở rộng cánh cửa xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là thị trường Mỹ, EU khi các thị trường truyền thống như Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á có dấu hiệu chững lại cũng là việc làm cấp thiết hiện nay. Các cơ quan, đại diện tham tán thương mại tại các nước chính là những người mở lối giúp cho hàng hóa Việt đi vào các thị trường khó tính này.
Bản thân các doanh nghiệp sẽ phải nhận diện rõ trong “nguy” có “ cơ”, tái cấu trúc lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạch toán lỗ lãi đầy đủ để bảo đảm nguồn vốn quay vòng, duy trì sản xuất. Đồng thời, tiếp cận dần với sản xuất các sản phẩm xanh - sạch để đi vào các thị trường tiềm năng kể trên. Trong đó, đặc biệt là tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu khi nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới hiện đang đổ bộ vào Việt Nam với tần suất cao.
Trong quá trình thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên, không thể thiếu vai trò bệ đỡ của các cơ quan quản lý, nhất là thủ tục hành chính. Nếu chỉ nói trên kế hoạch và thiếu thực chất sẽ là lực cản rất lớn, khiến doanh nghiệp vừa tốn thời gian, mất nhiều tiền bạc và bỏ qua nhiều cơ hội làm ăn, ông Thiên nhấn mạnh.
Việc gỡ bỏ các rào cản này vì thế phải được coi là xuyên suốt và thể hiện nhất quán, cơ quan quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi tình huống. Đừng để doanh nghiệp hụt hơi trong sản xuất, nhất là dịp cuối năm.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp