08:35:36 | 6/10/2022
Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”. Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022. Trong Kế hoạch, Tổng cục Hải quan đặt ra mục mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành Hải quan số nhằm tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DN.
Đến năm 2025: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử
Mục tiêu chiến lược cụ thể của ngành Hải quan đề ra cho đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành Hải quan số; 95% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy công tác Chống buôn lậu và gian lận thương mại của ngành Hải quan phụ thuộc rất lớn vào nguồn dữ liệu trong việc rà soát, phân tích rủi ro, xác định trọng điểm đối với các ngành hàng, tuyến đường, đối tượng và một số tiêu chí khác.
Hiện nay, ngành Hải quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin theo Cơ chế một cửa quốc gia và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Theo đó, các thủ tục hành chính về kiểm tra Nhà nước chuyên ngành về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; dữ liệu, chứng từ điện tử được tiếp nhận và chia sẻ cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa và xử lý dữ liệu. Đến năm 2030, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. Do đó việc tra cứu, rà soát thông tin của lực lượng kiểm soát chống buôn lậu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện được thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn.
Để đảm bảo việc thống nhất triển khai chuyển đổi số trong toàn Ngành, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tại đơn vị. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan và Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permihhhmht và E-Manifest) về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan thì khối lượng công việc của Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%. Số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%. Số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm. Chính vì vậy, số hóa ngành Hải quan là con đường tất yếu.
Thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để hướng tới Hải quan số
Từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM). Đồng thời hải quan tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.
Tích hợp 98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 9 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Philippines...
Ông Lê Đức Thành, Cục trưởng, Cục CNTT&Thống kê Hải quan nhấn mạnh: muốn chuyển đổi số nhanh thì phải ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện CNTT vào công tác nghiệp vụ Hải quan . Tập trung triển khai 03 nhiệm vụ trọng tâm, đó là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan với việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các Bộ, Ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với: Các bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan. Cuối cùng là triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan.
Thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý nhà nước về hải quan như trí tuệ nhân tạo (AI) trong soi chiếu hàng hóa, kết nối internet vạn vật (IoT) trong giám sát hải quan; phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý doanh nghiệp XNK;... đặc biệt tạo bước chuyển mang tính đột phá trong thu thập, quản trị, lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và cơ sở dữ liệu tập trung ngành hải quan; đồng thời xây dựng và thực hiện mô hình phân tích dữ liệu khoa học phục vụ đắc lực công tác nghiệp vụ cũng như công tác quản lý điều hành các cấp thông qua hệ thống công nghệ thông tin hải quan tích hợp.
Lê Hiền (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI