11:10:50 | 19/10/2022
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất “làn sóng” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quyết tâm này được thể hiện rõ nét qua việc ban hành, thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, đặc biệt là triển khai Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025 (Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh). Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.
Thừa Thiên Huế đã được kết quả ấn tượng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2022. Ông có chia sẻ thế nào về kết quả này; đâu là nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm?
Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2021, bước sang năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã phục hồi tích cực, toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng GRDP 9 tháng ước đạt 8,04%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội 38.541,4 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 919 triệu USD, tăng 7,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.495 tỷ đồng, tăng 8,2%; thu ngân sách 9.103,3 tỷ đồng, tăng 17,6%...
Tỉnh cũng đã cấp mới 24 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12.189,4 tỷ đồng (04 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD, tương đương 5.286,71 tỷ đồng); cấp điều chỉnh 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 05 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 633 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.498,8 tỷ đồng; tăng 38,8% về số lượng và tăng 59,6% về vốn so với cùng kỳ.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tập trung đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức làm việc với nhiều tập đoàn lớn; ký kết Biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham);… và tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nổi bật như: Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và triển khai hiệu quả Đề án “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”; tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp tạo năng lực mới. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động Lễ hội mùa thu trong khuôn khổ Festival Huế 2022. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành công tác thu ngân sách nhà nước; tập trung các giải pháp quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, tiếp tục chỉ đạo 04 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng vốn ngân sách.
Với khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu đề ra năm 2022, tạo đà cho cả giai đoạn tăng trưởng bứt phá.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đang mở ra cơ hội phát triển nổi bật nào và tỉnh đang cụ thể hóa ra sao?
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã giúp tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các cơ chế, chính sách có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh sớm xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chính vì vậy, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình Số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 về thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 về việc triển khai Chương trình số 12-Ctr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 bằng các nội dung công việc chi tiết. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao văn kiện chấp thuận đầu tư dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Aeon Mall Huế cho Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam vào tháng 5/2022
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh xếp 8/63 tỉnh, thành phố (chỉ sau năm 2013 là xếp thứ 2/63) nhưng có điểm số chung cao nhất từ trước đến nay (69,24 điểm). Tỉnh sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện điểm số, thứ hạng trong thời gian tới, thưa ông?
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 06/7/2022 về Nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 nhằm đánh giá, phân tích kết quả vị trí xếp hạng, qua đó cụ thể hóa giải pháp khắc phục, cải thiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh những năm tiếp theo, phấn đấu thuộc vào Top 5 cả nước.
Phân tích các nội dung chưa được cộng đồng DN đánh giá cao cho thấy: Vai trò của Hiệp hội DN trong xây dựng chính sách, quy định của tỉnh vẫn chưa được phát huy; DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp, thời gian xử lý vụ việc kinh tế bị kéo dài; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn đất mới để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), công tác giải phóng mặt bằng chậm,… Đây đều là những thách thức của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, bên cạnh những giải pháp đang thực hiện tốt, tỉnh sẽ quyết tâm chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ, cụ thể:
Chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức 4 và thực hiện cơ chế một cửa liên thông trên môi trường mạng; ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S; tiếp tục tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI).
Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN hoạt động SXKD trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh. Quá đó, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm giao mặt bằng đảm bảo cho các NĐT triển khai dự án.
Tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc DN thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đồng thời, xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của DN tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chất lượng công tác, thay đổi một cách cơ bản tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức với mục tiêu lấy tư duy hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN làm chủ đạo.
Việc ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 20/01/2022 cho thấy Thừa Thiên Huế tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Để những quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh lan tỏa tới hệ thống chính quyền, DN, Thừa Thiên Huế đang tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nào?
Để những quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sớm lan tỏa đến hệ thống chính quyền, DN, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách đã có của Trung ương và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng các chính sách mới của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, như: Chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách kích cầu ngành du lịch, chính sách hỗ trợ mặt bằng SXKD,...
Thứ ba, tiếp tục cải cách TTHC nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hỗ trợ NĐT trong việc nghiên cứu đầu tư cũng như tiến hành các thủ tục đầu tư. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin để trao đổi các công việc phát sinh; giảm bớt tình trạng chờ hồ sơ, thủ tục giữa các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, kết nối khách hàng DN với các tổ chức tín dụng nhằm khai thác nguồn vốn rẻ và rủi ro thấp. Cung cấp thông tin minh bạch, hiệu quả về các khách hàng DN với các tổ chức tín dụng và ngược lại nhằm kêu gọi nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho vay các DN có dự án tốt trên địa bàn.
Thứ năm, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19: Sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực trình độ cao, hạ tầng về điện, nước, thông tin, vận tải, kho bãi,... đáp ứng nhu cầu NĐT cũng như cải cách các TTHC, rút ngắn thời gian chuẩn bị, triển khai đầu tư. Tập trung hỗ trợ, tạo động lực cho DN trên địa bàn tỉnh lớn mạnh và tham gia liên kết theo chuỗi với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)