Hiện thực hóa lợi thế, thu hút đầu tư hiệu quả vào ngành nông nghiệp

15:44:20 | 14/10/2022

"Trong năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp tăng cao do chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân; việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Song, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai vẫn nỗ lực từng bước xây dựng các kịch bản phát triển thích ứng với từng cấp độ dịch. Do vậy, không chỉ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được đảm bảo yêu cầu được giao mà còn đóng vai trò quan trọng là “trụ đỡ” của nền kinh tế" - Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Gia Lai cho biết. Theo đó, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục đề ra và thực hiện những đường lối quan trọng, đặc biệt tạo điểm nhấn ấn tượng để thu hút đầu tư.

Phát triển khá toàn diện

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Phát huy những lợi thế này, Gia Lai đã và đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Đại diện UBND tỉnh Gia Lai từng thông tin: “Nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn liền với chuỗi giá trị. Gia Lai phấn đấu chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo... Chúng tôi quyết tâm biến Gia Lai trở thành một trong những thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam”. Theo tính toán, hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai là trên 550.000ha với các cây trồng chủ lực như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực, thực phẩm lúa, mì, mía, bắp và rau. Ước tính ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai mang về giá trị trung bình hơn 30.000 tỉ đồng/năm, trong đó riêng lĩnh vực trồng trọt đạt trên 26.140 tỉ đồng. Năm 2021, giá trị sản xuất của ngành chiếm gần 35% tổng giá trị nền kinh tế tại địa phương. "Tự hào hơn hết là xuất khẩu ngành nông nghiệp tỉnh mỗi năm luôn vượt hơn năm ngoái, hằng năm đạt trên 515 triệu USD, xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia, đặc biệt là những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ…. Hiện các ngành chức năng đang đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý để dễ dàng trong xuất khẩu ra thị trường Châu Âu theo Hiệp định EVFTA và bảo vệ sản phẩm của địa phương" - ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ thêm.

Không những thế, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn. Đã chuyển đổi được 40.000 ha cây trồng thường xuyên sang những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như: cây ăn quả, rau củ quả,… Xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến nay có 91 xã và 118 thôn làng đạt chuẩn nông thôn mới; 3 địa phương cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới (TX.An Khê, TX.Ayun Pa,TP.Pleiku)… Phấn đấu đến 2025, tỉnh có 120 xã/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mới, có 10 địa phương cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Chuyển đổi mạnh mẽ

Khi được hỏi đâu là những bài học kinh nghiệm đáng quý để tỉnh có được thành công như hôm nay, ông Đoàn Ngọc Có không ngần ngại chia sẻ, chính là Gia Lai luôn nhận được sự giúp sức từ trung ương và hướng dẫn kịp thời các chiến lược phát triển ngành, chính sách, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng đã chủ động triển khai được nhiều giải pháp, phương án, kế hoạch phù hợp với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kết nối được các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Triển khai được tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử…

Trước những lợi thế đang có, cùng quyết tâm thực hiện tốt công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Gia Lai đang từng bước chuyển đổi hàng chục nghìn hecta cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng phù hợp hơn; cũng như chú trọng liên kết sản xuất gắn người dân, hợp tác xã với doanh nghiệp để sản xuất đồng loạt, chất lượng cao, sản lượng lớn, xuất khẩu quy mô lớn. Đồng thời phối hợp cùng các sở, ban ngành, cụ thể là Sở Khoa học Công nghệ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, các dẫn địa lý phù hợp với sản phẩm nông nghiệp để từng bước bảo hộ sản phẩm mang thương hiệu riêng của Gia Lai. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 300 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, 2 chỉ dẫn địa lý, như gạo Ba Chăm (Gạo Ia Lâu - Chư Prông), hồ tiêu Chư Sê và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Gia Lai; hơn 3000 tem truy xuất nguồn gốc...

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các nghị quyết, kế hoạch, đề án đã ban hành. Thúc đẩy các dự án nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững và xây dựng các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, theo các tiêu chuẩn cao phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là giải quyết những "nút thắt" quan trọng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như công khai và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục tại hành chính và quy hoạch kế hoạch phát triển Ngành. Chủ động rà soát, tham mưu ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình đầu tư của Nhà nước, thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân để đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, nhất là thủy lợi, giao thông, khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm xem xét bố trí đủ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống; thành lập trung tâm logistics cho Ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp cấp vùng tại Gia Lai...

"Có thể thấy Gia Lai đang chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Tỉnh sẽ luôn nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; khai thác lợi thế, tiềm năng; phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch. Cùng với đó là tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ từ bên ngoài, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa Gia Lai trở thành tỉnh phát triển ở Tây Nguyên" – ông Đoàn Ngọc Có nói.

Ngọc Thảo (Vietnam Business Forum)