Nâng chất dòng vốn đầu tư tại các khu công nghiệp

14:40:29 | 4/10/2022

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 song các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Tiền Giang vẫn thu hút lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dòng vốn tại các KCN tiếp tục được tỉnh ưu tiên, trong đó tập trung vào các dự án có công nghệ tiên tiến, sạch, thân thiện môi trường,... nhằm phát triển bền vững.


Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng BQL các KCN tỉnh Tiền Giang

Thu hút đầu tư bằng lợi thế riêng

Nằm ở vị trí đắc địa, ngay cửa ngõ kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với khu vực Đông Nam bộ, Tiền Giang được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế mang tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển và thuận lợi với các tuyến huyết mạch: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; các quốc lộ (1, 30, 50, 60); sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh chợ Gạo,… Bên cạnh điểm cộng lớn là cảng Mỹ Tho - cảng biển tiếp nhận tàu có tải trọng 3.000 tấn thì hệ thống kết cấu hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hạ tầng KCN luôn sẵn sàng.

Xét về chuỗi giá trị liên kết phát triển vùng, liên vùng và cả nước, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước. Ngoài ra, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động.

Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 07 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,43ha, trong đó có 04 KCN đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp) với diện tích 1.101,47ha, chiếm 52,87% diện tích quy hoạch KCN. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định hồ sơ dự án KCN Bình Đông, Tân Phước 1, Tân Phước 2 trình Chính phủ quyết định chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 03 KCN này, trong thời gian tới quỹ đất công nghiệp sẽ tăng lên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu và lựa chọn đầu tư tại các KCN của tỉnh.

Sáu tháng đầu năm 2022, Ban quản lý (BQL) các KCN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) cho 03 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 23,3 triệu USD; điều chỉnh Giấy CNĐKĐT cho 13 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 33 triệu USD. Tính đến tháng 6 năm 2022, các KCN thu hút được 106 dự án, trong đó có 79 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.255,3 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và 4.545,86 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI); diện tích đất thuê là 520,86ha/767,20ha, chiếm tỷ lệ 67,89% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN phát triển đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp (các KCN chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 95.000 lao động trong và ngoài tỉnh với thu nhập bình quân chung của người lao động đạt khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.


Khu công nghiệp Tân Hương

Tăng cường hỗ trợ

Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng BQL các KCN tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2022, các KCN tỉnh dự kiến sẽ thu hút 07 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 261 triệu USD.

Để lấp đầy diện tích, nâng cao chất lượng dòng vốn, BQL các KCN tỉnh sẽ phát huy hiệu quả trong quản lý, thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đồng thời, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư đảm bảo nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương; có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư, BQL các KCN tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Công bố thông tin liên quan đến quy hoạch xây dựng, lĩnh vực thu hút đầu tư; chú trọng chính sách về đất đai, nhà ở, đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư; tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, quản lý dự án.

Đặc biệt, Ban cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng, thực hiện quy chế liên thông, phối hợp giữa đơn vị với các ngành trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian và công khai thông tin trên website dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đảm bảo các thủ tục thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng,… Qua đó, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo môi trường bình đẳng, thuận tiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Song song đó, Ban tăng cường công tác xúc tiến thu hút đầu tư (chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ); chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập/cấp chứng nhận đầu tư để các dự án được nhanh chóng triển khai và đi vào hoạt động. Tăng cường rà soát các dự án, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng; làm việc với các doanh nghiệp định kỳ quý, 6 tháng và năm để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, thời gian qua, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại các KCN tỉnh Tiền Giang nói riêng tiếp tục phát triển ổn định, tạo giá trị gia tăng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung và là động lực để kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và bền vững.

“Các hoạt động này thể hiện sự quan tâm thường xuyên, đồng hành của chính quyền địa phương tới doanh nghiệp; đồng thời gián tiếp quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư tại địa bàn tỉnh Tiền Giang”, ông Nguyễn Nhật Trường khẳng định.

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)