Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt

13:26:23 | 23/9/2022

Qua 60 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2022), mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố bền chặt và phát triển trên mọi lĩnh vực. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào về kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong thời gian vừa qua cũng như các phương hướng hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hai nước trong thời gian tới. Quỳnh Ngọc thực hiện.

Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong hợp tác giữa Việt Nam và Lào thời gian qua?

Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, tính bất ổn, khó lường gia tăng, thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, tác động đến các nước trong đó có Việt Nam và Lào; song dưới sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của hai Đảng, hai Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội hai nước, các nội dung Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào đã được các cấp, các ngành, địa phương của hai bên phối hợp triển khai tích cực, đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2011 - 2020 và năm 2021 - 2022 có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Có thể đánh giá tổng quát kết quả nổi bật trong việc hợp tác giữa hai nước như sau:

Về hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh:

Hai bên có sự hợp tác chặt chẽ và tiếp tục triển khai tốt trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lãnh đạo cấp cao hai bên vẫn thường xuyên trao đổi, gặp gỡ và hội đàm dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội của hai nước cũng như các hoạt động trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, việc tham dự các sự kiện quan trọng của mỗi nước thường xuyên được thực hiện và ngày càng hiệu quả, thiết thực. Từ năm 2011 đến 2020, hai bên đã trao đổi gần 3.000 đoàn đại biểu, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 1.803 đoàn, giai đoạn 2016 - 2020 là 1.156 đoàn.

Hai bên tiếp tục phối hợp tốt trong hợp tác về quốc phòng - an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định và phát triển toàn diện, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước.

Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế:

Trong lĩnh vực đầu tư, đến nay Lào đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 214 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,38 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Sonexay Siphandone ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào (ngày 10/01/2022)

Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm tháng đầu năm 2022, vốn đăng ký đầu tư sang Lào đạt 64,5 triệu USD, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (15,5 triệu USD). Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trong lĩnh vực thương mại: Hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã phối hợp triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại mới (ký ngày 03/3/2015), Hiệp định thương mại biên giới (ký ngày 27/6/2015); Đề án Phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đang được xúc tiến.

Giai đoạn 2011-2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 10,1 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 5,3 tỷ USD; 2016-2020 đạt khoảng 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với giai đoạn 5 năm trước. Nhìn chung kim ngạch thương mại có sự tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng chưa đồng đều; riêng năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại của hai bên giảm sút mạnh.

Bốn tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 558,2 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 336 triệu USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 272,8 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Theo đó, hai bên đã phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm gồm: Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Áp - Thakhek - Vientiane, tuyến đường từ Phouthipheung đi Naxon và các dự án kết nối giao thông quan trọng khác.

Hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam - Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng (ký ngày 05/02/2018); phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ ký ngày 24/02/2018 tiếp tục được triển khai có hiệu quả.

Về mua bán điện giữa Việt Nam và Lào do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, hiện nay có 02 dự án và đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ Lào; hai bên sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án khác đã được phát triển và có khả năng truyền tải điện về Việt Nam theo tiến độ.

Về hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được ưu tiên quan tâm, chất lượng tiếp tục chuyển biến tốt. Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đã trợ giúp học bổng theo khả năng của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Năm 2021, số lượng lưu học sinh Lào có mặt học tập tại Việt Nam là 14.000 người, hầu hết các cơ sở giáo dục Việt Nam đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho lưu học sinh Lào.

Về viện trợ của Việt Nam dành cho Lào:

Riêng trong giai đoạn 2016 - 2020 có gần 28 dự án viện trợ đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, chất lượng dự án đáp ứng được yêu cầu đề ra; đặc biệt có các dự án trọng điểm như các Bệnh viện hữu nghị tại hai tỉnh Houaphanh và Xiangkhouang.

Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào đã có những hoạt động gì với vai trò và nhiệm vụ là đầu mối tập hợp các nội dung hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương, thưa Bộ trưởng?

Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc xây dựng các chiến lược, chương trình, cơ chế, kế hoạch hợp tác với Lào; chuẩn bị các thỏa thuận về hợp tác song phương giữa hai nước thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với Lào trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các biện pháp chỉ đạo nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước hướng tới mục tiêu hiệu quả, thiết thực, các hoạt động tiêu biểu của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào bao gồm:

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác song phương với Lào.

Thường xuyên theo dõi tình hình hợp tác với Lào; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các thỏa thuận, các nhiệm vụ hợp tác với Lào.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và phía Lào tổ chức các cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào.

Đôn đốc chuẩn bị các nội dung, đàm phán, ký kết các văn bản thỏa thuận cấp nhà nước với Lào tại các cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào.

Theo định kỳ phối hợp với các các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác với Lào, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào phối hợp với Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam thực hiện định kỳ kiểm tra các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với Lào, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đạt hiệu quả.

Các hoạt động trên được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thực chất, được lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao. Riêng trong công tác phối hợp quản lý và thúc đẩy đầu tư trực tiếp sang Lào: Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19,  năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã có 4 công thư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đề nghị xem xét giải quyết 18 nhóm vấn đề liên quan đến hoàn thiện chính sách, tổ chức thực thi chính sách và các biện pháp hỗ trợ khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào trong các lĩnh vực khai khoáng, thủy điện, nông lâm nghiệp, năng lượng,... Nhiều kiến nghị của phía Việt Nam đã được Chính phủ và các bộ, ngành của Lào ghi nhận và có phản hồi thông tin cho phía Việt Nam.

Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, đầu tư và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện, triển khai các chương trình hợp tác, đầu tư phát triển với nước bạn Lào như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Với vai trò là Thường trực Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác đã được thống nhất trên cơ sở các định hướng:

Hợp tác về chính trị, ngoại giao:

Tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, tăng cường sự gắn bó, tin cậy, đạt hiệu quả cao hơn nữa, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; thường xuyên chăm lo giữ gìn, vun đắp tình cảm đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.

Hợp tác về quốc phòng - an ninh:

Tăng cường hơn nữa trụ cột hợp tác giữa hai nước về quốc phòng - an ninh; phối hợp chặt chẽ, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước, nhất là bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới.

Hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề là nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tạo lòng tin vững chắc, lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường bền vững mối quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước; trong vòng 10 năm tới phải tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của hai nước trong thời kỳ mới.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học kỹ thuật:

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước; tinh thần quan hệ đặc biệt và nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp của Việt Nam và Lào; nỗ lực thúc đẩy tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác về kinh tế, văn hóa, y tế và khoa học kỹ thuật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, xứng tầm với quan hệ chính trị truyền thống giữa hai nước.

Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức nhân dân:

Hai bên tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao hiệu quả, mở rộng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức nhân dân của hai nước nhằm có sự thống nhất quản lý của Trung ương.

Vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào:

Vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào phải được sử dụng một cách có hiệu quả, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Việc lựa chọn những chương trình, dự án do Chính phủ Lào đề xuất căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Lào nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Vietnam Business Forum