Vĩnh Phúc: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản

14:47:05 | 23/9/2022

Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ; luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Vĩnh Phúc đã và đang tạo sức hút lớn đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư tại Vĩnh Phúc (sau Hàn Quốc) với gần 60 dự án, tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu tập trung trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, đóng góp khoảng 70% tổng thu ngân sách của địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh.

Có mặt tại Vĩnh Phúc ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh là Công ty Honda Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam (hai nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua hơn 26 năm đầu tư tại Vĩnh Phúc, hai doanh nghiệp trên thường xuyên lọt Top đầu những doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả và nộp thuế hàng đầu Việt Nam. Hiệu ứng đầu tư kinh doanh thành công của hai doanh nghiệp này đã tạo lực hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư FDI nói chung.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, đại diện Honda Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất quy mô hơn 70ha (với 2 nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy, 1 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn hiện đại bậc nhất Việt Nam). Trải qua chặng đường 26 năm, Honda Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, Honda Việt Nam luôn cảm thấy an toàn và yên tâm khi đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, Vĩnh Phúc cũng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng điển hình là Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2015 Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã quyết định đầu tư KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản.

KCN Thăng Long III có tổng diện tích hơn 213ha, với tổng vốn đầu tư trên 135 triệu USD. Mục tiêu của KCN là thu hút các lĩnh vực công nghiệp không gây ô nhiễm, ưu tiên dự án công nghệ cao như: Sản xuất động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy; phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác. Đến nay, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 34 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 1.139,58 tỷ đồng và 811,27 triệu USD; đã có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt hơn 81%.

Ông Masuoka Hiroyoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Ngày càng nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản đến Vĩnh Phúc vì họ muốn tranh thủ những thế mạnh của Vĩnh Phúc như vị trí sát cạnh Hà Nội, logistics, nhân lực, hỗ trợ của chính quyền. Nguồn nhân lực luôn dồi dào, được đào tạo tốt. Mỗi khi chúng tôi gặp vấn đề hay khó khăn gì thì đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. Họ sẵn sàng gặp gỡ chúng tôi để giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại chỗ. Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã lấp đầy hơn 81%, thu hút nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC) và Tập đoàn SOJITZ (Nhật Bản) về xây dựng chiến lược, kế hoạch mở rộng các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi bò thịt, giết mổ, chế biến, tiếp thị, phân phối thịt và các sản phẩm từ thịt tại thị trường Việt Nam, hướng đến xuất khẩu tại Vĩnh Phúc. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị các điều kiện xây dựng Tổ hợp chế biến và chăn nuôi bò thịt Việt Nam – Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Bộ phận Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (Japan Desk) đã tích cực hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch, với những nỗ lực đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản luôn đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương và đưa ra cam kết mở rộng đầu tư.

Ông Vũ Kim Thành, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng quan tâm, đầu tư vào tỉnh. Với làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ trên thế giới, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN sẽ nghiên cứu, tham mưu với tỉnh các cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản nói riêng. Trong đó sẽ tập trung việc phát triển hạ tầng các KCN, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN nhằm sẵn sàng quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư mới, phát huy vai trò của các thành viên tham gia Japan Desk Vĩnh Phúc trong việc xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

 Với hệ thống cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư, hoàn thiện đạt đẳng cấp quốc tế cùng những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, chắc chắn Vĩnh Phúc sẽ là điểm đến lý tưởng, an toàn, tin cậy, hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)