Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá

14:04:50 | 3/10/2022

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội phát triển và định hình các giá trị mới. Đón đầu các cơ hội này, Tiền Giang đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để sẵn sàng bứt phá, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang.

 

Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua?

Với lợi thế cửa ngõ giao thương của vùng ÐBSCL với TP.Hồ Chí Minh và cả nước, Tiền Giang có nhiều tiềm năng và cơ hội trong thu hút đầu tư. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh thu hút được 116 dự án với tổng vốn đầu tư 34.922,71 tỷ đồng, tăng 24 dự án, vốn đầu tư tăng 62% so với giai đoạn trước; tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 3.343 doanh nghiệp, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.

Năm 2021, chịu tác động từ dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, tỉnh thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.827,35 tỷ đồng (06 dự án vốn đầu tư nước ngoài 530,35 tỷ đồng, 09 dự án vốn đầu tư trong nước 1.297 tỷ đồng); có 05 dự án đăng ký tăng vốn 4.115 tỷ đồng. Tổng cộng năm 2021 tỉnh đã thu hút 5.942 tỷ đồng. Trong tám tháng đầu năm 2022, Tiền Giang  thu hút được 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.163 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với cùng kỳ năm 2021, có 04 dự án đăng ký tăng vốn 1.045 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được trong tám tháng đầu năm 2022 đạt 5.029 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, về kết quả phát triển doanh nghiệp, tám tháng đầu năm có 644 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 4.860,5 tỷ đồng; ước thực hiện năm 2022: 860 doanh nghiệp, tăng 49,3%. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2022 cao nhất từ trước đến nay đã cho thấy niềm tin và nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền tỉnh.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang, tháng 4/2022

Nghị quyết số 24-NQ/ĐH Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu thu hút 140 dự án, tăng 24 dự án, vốn đầu tư dự kiến gấp  1,78 lần so với giai đoạn 2016 – 2020. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này? Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 với mục tiêu thu hút 140 dự án, trong đó tỉnh dự kiến thu hút hơn 80 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 15 dự án, vốn đầu tư tăng 45,5% so với giai đoạn 2016 – 2020.

Các dự án lớn dự kiến thu hút đầu tư trong giai đoạn này gồm: Đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước I vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng, Khu công nghiệp Tân Phước II vốn đầu tư 3.255 tỷ đồng, Khu công nghiệp Bình Đông vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng,.. đồng thời thu hút nhà đầu tư sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp này; dự kiến thu hút đầu tư khoảng 60 dự án FDI với 1.745 triệu USD vốn đầu tư bao gồm 1.570 triệu USD vốn đầu tư đăng ký các dự án mới và 175 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm, tăng 50,87% so với thực hiện giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên do tác động của dịch Covid - 19, từ đầu năm 2021 đến nay, dù đã rất nỗ lực, tỉnh mới thu hút được 28 dự án với tổng vốn đầu tư 10.271 tỷ đồng, chỉ đạt 20% về số dự án và 17% về số vốn đầu tư. Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư đã đề ra, Tiền Giang cần phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể như:

(1) Sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có đủ cơ sở mời gọi đầu tư. Tổ chức công khai các quy hoạch, kế hoạch ngay sau khi được phê duyệt, hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương, đảm bảo người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận văn bản pháp luật dễ dàng.

(2) Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, nâng cấp kênh Chợ Gạo, đầu tư cầu Rạch Miễu 2,... 

Tỉnh đang và sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng như: ĐT 864 (dài 110km, vốn hơn 3.000 tỷ đồng), đường ven biển nối Long An-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh, đường nối vòng xoay cao tốc đến trung tâm Đồng Tháp Mười,…

(3) Nâng cao chất lượng đào tạo: Tiếp tục liên kết với các viện, trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Trường Đại học Tiền Giang, Cao đẳng nghề Tiền Giang, các trường trung cấp nghề ở trung tâm 03 vùng của tỉnh… đẩy mạnh đào tạo, bảo đảm phù hợp, gắn đào tạo với phát triển các ngành, lĩnh vực, theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

(4) Tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì thực hiện.

Trong tháng 9/2022, tỉnh tổ chức Hội nghị cải thiện chỉ số PCI và triển khai chỉ số DDCI. Trong đó, quy định rõ và có tư vấn độc lập đánh giá kết quả cải thiện chỉ số của từng sở, ngành, địa phương.

(5) Tổ chức Hội nghị công bố công khai danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2022 (tổ chức ngày 09/9/2022) với đầy đủ thông tin liên quan như: Mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, địa điểm, cơ quan đầu mối quản lý để giúp các nhà đầu tư thuận lợi từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu, đăng ký thực hiện dự án.

(6) Xây dựng quy trình liên thông thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với chủ trương đầu tư như đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư, từ thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường,...

(7) Xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; nâng cao đạo đức công vụ của công chức, viên chức, nhất là trong giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Sau thời gian ‘‘chững lại” do đại dịch Covid - 19, Tiền Giang đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua việc ban hành Quyết định số 1581/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2022 với những quan điểm cụ thể, định hướng rõ ràng và hình thức đa dạng. Xin ông cho biết những kỳ vọng về kết quả thu hút đầu tư đặt ra thông qua thực hiện quyết định này?

UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2022 gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng, trong đó có 34 dự án sử dụng đất công với tổng vốn đầu tư 5.776 tỷ đồng và 25 dự án thu hồi đất với tổng vốn đầu tư 16.613 tỷ đồng trên các lĩnh vực như đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao,...

Để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án, tỉnh đã tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án thuộc Danh mục mời gọi đầu tư năm 2022. Thông qua Hội nghị này một mặt tỉnh muốn giới thiệu để nhà đầu tư tìm hiểu đồng thời lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư, đề xuất cũng như ý kiến, ý tưởng mới về các dự án dự kiến đầu tư trong thời gian tới.

Từ đó hoàn thiện môi trường đầu tư, tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án trong giai đoạn tới góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 được công bố đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các tỉnh, thành trong khu vực. Đón đầu các cơ hội này, Tiền Giang đã có sự chuẩn bị thế nào để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới?

Quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được công bố đã mở ra nhiều cơ hội phát triển, trong đó có Tiền Giang. Đón đầu cơ hội này, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp vừa mang tính bức thiết, vừa tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó, tập trung vào ba trọng tâm là: Cơ sở hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, điện nước,… Trong đó, đặc biệt chú trọng kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL để tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư.

Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh mời gọi và tạo quỹ đất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Long Giang, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Thạnh Tân,… sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao đạo đức của công chức trong thực thi công vụ. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tổ Tiếp xúc đầu tư cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp,… tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời, tập trung chăm lo cho sức khỏe, đời sống của công nhân, người lao động: Xây dựng khu thiết chế công đoàn, các khu nhà ở xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô San (Vietnam Business Business)