10:54:54 | 10/10/2022
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, điểm sáng nổi bật là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng các năm từ 2018-2022, tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký ghi nhận kỷ lục đạt 82,3%.
Ước tính 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 544,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.227,1 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% và tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 358,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 16,3%.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 06 Tổ Công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt 58,7% kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021[1], tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng là trên 65% kế hoạch. Ngoài các nguyên nhân khách quan khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch như: Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các Bộ ngành và địa phương triển khai nhiều dự án khởi công mới cần nhiều thời gian để chuẩn bị dự án nên tiến độ thực hiện các dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư… Còn có các nguyên nhân chủ quan như: Vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù; chất lượng kế hoạch, công tác chuẩn bị dự án chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; việc lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; sự phụ thuộc vào quy định của các nhà tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) gây chậm tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn; Năng lực hạn chế của ban quản lý dự án, cán bộ làm công tác đầu tư tại các cấp; không tuân thủ đúng quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án…
Từ giữa tháng 10/2021, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chủ động phòng chống dịch bệnh an toàn để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phục hồi mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài trong các tháng cuối năm 2021 và tiếp đà tích cực này trong năm 2022, là điểm sáng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. Tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do số vốn đăng ký cấp mới giảm. Cụ thể: Trong tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn đăng ký cấp mới đạt 7,12 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh đạt 8,35 tỷ USD, tăng 29,9%; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,28 tỷ USD, tăng 1,9%.
Vốn đăng ký cấp mới 9 tháng năm 2022 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước do vốn đăng ký cấp mới cùng kỳ năm 2021 tăng đột biến 4,41 tỷ USD từ 02 dự án đăng ký cấp mới trong quý I năm 2021, bao gồm: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (nhà đầu tư Xin-ga-po, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD) và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD). Nếu loại trừ 4,41 tỷ USD tăng đột biến đầu năm 2021 thì tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2022 tăng 5,74 % so với cùng kỳ năm trước.
Nếu nhìn vào số dự án đăng ký đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2022 cũng thấy rõ những tín hiệu tích cực: Cả nước có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4%.
Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam 9 tháng năm 2022, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1,45 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đan Mạch 1,32 tỷ USD, chiếm 18,5%; Nhật Bản 927,5 triệu USD, chiếm 13%; Hàn Quốc 749,1 triệu USD, chiếm 10,5%; Trung Quốc 735,3 triệu USD, chiếm 10,3%.
Vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký so sánh trong giai đoạn 2018-2022 cho thấy xu hướng rất tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký 9 tháng năm 2022 đạt 82,3%, là tỷ lệ đạt cao kỷ lục.
Điều này khẳng định rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, và tiếp tục mở rộng đầu tư khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, có thể coi là một bước đột phá trong vấn đề điều chỉnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cho tới nay đã phản ánh kết quả tích cực từ thực hiện Luật mới.
Trong Luật Đầu tư năm 2020, các quy định dần cởi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong quản lý hoạt động đầu tư: Trong đó, Luật Đầu tư sửa đổi mang tính hỗ trợ cho các dự án về đầu tư khởi nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài vào hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhà đầu tư các dự án lớn (ví dụ: sân golf, casino…) sẽ chỉ cần xin chấp thuận từ UBND cấp tỉnh, thành phố so với trước đây phải xin chấp thuận của Thủ tướng chính phủ. Đây là một trong những điều chỉnh quan trọng góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính; đối với các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư sẽ không cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng được bổ sung thêm vào diện hưởng ưu đãi đầu tư. Về gia hạn tiến độ đầu tư, Luật quy định không được gia hạn tiến độ dự án quá 24 tháng so với tiến độ ban đầu, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật và các trường hợp khác thì được gia hạn quá 24 tháng. Qua đó tạo ra “lối thoát” cho nhiều dự án treo tại Việt Nam.
Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Các tổ chức quốc tế: Moody‘s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2022, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 5/10/2022 về việc đẩy mạnh phân bổ, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp theo đó, trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2022, Bộ KH&ĐT đã đề xuất 08 nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022[2] với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP và Chỉ thị số 17/CT-TTg.
Theo khảo sát nhanh do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023. Có 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao. Hiện nay Bộ KH&ĐT cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài để có điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm phục vụ định hướng thu hút đầu tư những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Những điểm sáng về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 9 tháng năm 2022 là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của Việt Nam, dự báo kết quả đầy triển vọng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI