Để thị trường vốn thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế

13:53:40 | 25/10/2022

Thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, là nơi cung ứng nguồn vốn trung - dài hạn và là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, bên cạnh những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; thị trường vốn Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và xuất hiện một số rủi ro. Tuy vậy nhưng thị trường vốn Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ và cân bằng hơn trong giai đoạn mới.

Phát triển nhanh cả chiều rộng và chiều sâu

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, sau 20 năm phát triển, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu; khung khổ pháp lý được hoàn thiện; quy mô, sản phẩm, thanh khoản tăng nhanh, góp phần huy động được nguồn lực tài chính rất quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ và bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Quy mô thị trường chứng khoán tăng nhanh trong giai trong giai đoạn 2016-2017 và 2020-2021. Đến tháng 6/2022, giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 78,16% GDP (tháng 12/2015, vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tương đương 41,8% GDP). Trong đó, vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 6,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 340% so với cuối năm 2015; vốn hoá thị trường trái phiếu đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 111% so với cuối năm 2015.

Quy mô thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh và từng bước thu hẹp khoảng cách với thị trường tiền tệ (hiện tỷ lệ tín dụng/GDP tại thời điểm tháng 6/2022 đạt khoảng 113,9%), chia sẻ vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp để ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt là có thêm nguồn lực mở rộng quy mô hoặc đầu tư vào công nghệ, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của hệ thống ngân hàng thương mại. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011 – 2015, trong đó huy động vốn qua TPDN tăng 532%, huy động vốn qua phát hành TPCP tăng 54%, giá trị thu được qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 712%.

Trên cả ba thị trường: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm dịch vụ tài chính phát triển nhanh, xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các khách hàng và nhà đầu tư. Đặc biệt, các sản phẩm ngày càng được phát triển theo hướng tích hợp công nghệ do ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính được đẩy mạnh.

Tuy vậy, bên cạnh sự phát triển nhanh trong thời gian qua, thị trường vốn Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, cơ cấu thị trường vốn Việt Nam còn nhỏ so với các thị trường khu vực, các cấu phần của thị trường chưa cân đối. Tại thời điểm 30/6/2022, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70,9% GDP, nhỏ hơn các thị trường cổ phiếu trong khu vực (từ 93% - 243% GDP, ngoại trừ Indonesia). Trong đó, khoảng 35% tổng vốn hóa thị trường thuộc sở hữu Nhà nước, còn hạn chế về sở hữu và tính thanh khoản. Bên cạnh đó, dư nợ thị trường trái phiếu (47% GDP) còn thấp hơn khá nhiều so với thị trường cổ phiếu và một số thị trường khu vực. Hàng hóa trên thị trường vốn còn thiếu đa dạng, chất lượng một số sản phẩm chưa đảm bảo. Các doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành có tính chu kỳ cao là tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), bất động sản, xây dựng chiếm khoảng 65% tổng vốn hóa và thanh khoản thị trường cổ phiếu, chưa có nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành công nghệ, y tế, logistics, dịch vụ… Một số doanh nghiệp có dấu hiệu tăng vốn “khống” trước khi niêm yết cổ phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhưng sử dụng sai mục đích, giá cổ phiếu biến động thất thường không gắn liền với chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ sở nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, chưa gắn kết giữa chức năng huy động vốn dài hạn của thị trường vốn với hệ thống bảo hiểm, an sinh xã hội. Nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80-85% giao dịch trên thị trường cổ phiếu, phần lớn tự đầu tư thay vì uỷ thác qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nên ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của chỉ số VN Index (có những giai đoạn lọt vào nhóm các chỉ số chứng khoán tăng, giảm mạnh nhất trên thế giới).

Đáng chú ý, báo cáo tài chính chưa kiểm toán của một số doanh nghiệp niêm yết chênh lệch lớn so với báo cáo tài chính được kiểm toán. Một số khoản mục trọng yếu chưa được thuyết minh đầy đủ, thiếu minh bạch hoặc bị kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ. Báo cáo sử dụng vốn huy động chưa công bố đầy đủ, gây khó khăn cho cổ đông, trái chủ và cơ quan quản lý trong giám sát việc sử dụng vốn của công ty.

Ngoài ra, một số tiêu chí nâng hạng thị trường lên thị trường chứng khoán mới nổi còn chậm đáp ứng; gia tăng rủi ro liên thông giữa thị trường vốn (thị trường TPDN, thị trường cổ phiếu) với hệ thống TCTD và lĩnh vực bất động sản…

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thành lập trung tâm tài chính khu vực

Để phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm hoàn thiện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thị trường vốn, tập trung vào phát triển cơ sở nhà đầu tư thông qua hoàn thiện quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp dựa trên thực tiễn thị trường; khuyến khích nhà đầu tư cá nhân đầu tư qua các quỹ chuyên nghiệp thông qua ưu đãi về thuế, phí…

Đồng thời, cần tăng quy mô thị trường chứng khoán và đa dạng hóa sản phẩm trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán (hỗ trợ chi phí về công bố thông tin, kiểm toán doanh nghiệp niêm yết; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với doanh nghiệp có quy mô trung bình trở lên, thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế như năng lượng xanh, kinh tế xanh, công nghiệp phụ trợ…). Trong giai đoạn 2022 - 2025, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, hướng dẫn sử dụng Fintech trong lĩnh vực chứng khoán; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa có đủ điều kiện phải niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Đáng chú ý, việc tiếp tục cải thiện các yêu cầu về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện, trong đó, cần tiếp tục nâng cao các hình thức xử phạt đối với các trường hợp công bố thông tin sai lệch, chậm công bố thông tin; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; thẩm định giá và xử lý các vi phạm; nghiên cứu nâng cao yêu cầu công bố thông tin đối với công ty sở hữu vốn không phải là công ty đại chúng, các công ty chưa đại chúng phát hành TPDN…

Đặc biệt, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, cần sớm phê duyệt đề án thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế (tại TP. Hồ Chí Minh và/hoặc TP. Đà Nẵng) theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra nhiệm vụ nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; và Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đã định hướng lựa chọn một số địa điểm, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)