13:48:09 | 28/10/2022
Thị trường lao động được đánh giá là đang phát triển theo hướng linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế với tinh thần chủ động và tích cực.
Phát triển cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động (TTLĐ) Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu, là bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.
Trong đó, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện, Bộ Luật Lao động 2019, Luật an toàn vệ sinh lao động 2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Việc làm 2013, các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn để phát triển chất lượng nhân lực.
Nguồn cung lao động trên thị trường lao động có sự phát triển không ngừng về cả số lượng và chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,874 triệu người (năm 1986) lên 38,64 triệu người (năm 2000) và 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 49% (năm 2014) lên 67% (6 tháng đầu năm 2022). Cầu lao động cũng đã đạt được những thành quả đáng kể. Tỷ lệ lao động làm công ăn lương tăng từ 34,5% năm 2010 lên 52,93% vào quý II/2022, hơn 27 triệu người đang làm việc trong các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Giai đoạn 2011-2019 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5 – 1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức dưới 3% và dưới 4% đối với tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị. Năm 2020, 2021 do tác động của Đại dịch Covid-19 mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,3 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, nhưng thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 8 tháng đầu năm 2022.
Đặc biệt, TTLĐ trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2020, lao động làm việc trong ngành nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 32,8%, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 77,2%. Người lao động có nhiều cơ hội việc làm trên TTLĐ. Việt Nam từ một nước dư thừa lao động, đến giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ tăng trưởng việc làm đã đạt mức cân bằng và cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động. Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng TTLĐ Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, TTLĐ phát triển chưa đồng bộ; chính sách TTLĐ chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Vẫn còn những rào cản về quản lý và thủ tục hành chính chưa tạo được một sân chơi công bằng, bình đẳng.
Bên cạnh đó, TTLĐ có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. dẫn đến mất cân đối về cung - cầu lao động. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động bị đứt gãy do giãn cách xã hội, lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực. Quan hệ cung - cầu lao động trên TTLĐ chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng cầu lao động của nền kinh tế linh hoạt, hiện đại và hội nhập. Cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận các bên trong quan hệ lao động cấp doanh nghiệp chưa hoàn thiện; thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công chưa phù hợp với thực tế, nên hầu hết các cuộc đình công diễn ra chưa đúng với quy định của pháp luật. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa hoàn chỉnh và chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến...
Phát triển khoa học quản trị quốc gia về TTLĐ
Để phát triển TTLĐ linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo TS. Bùi Sỹ Lợi, VN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tăng cầu lao động thông qua phát triển kinh doanh sản xuất dịch vụ trong các thành phần kinh tế.
“Cần phát triển khoa học quản trị quốc gia về TTLĐ, hướng tới xây dựng mô hình quản trị TTLĐ trong hội nhập đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về người lao động từ 15 tuổi trở lên, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu trên tTTLĐ nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động”, ông Lợi nhận định.
Bên cạnh đó, ông Lợi cho rằng, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động, chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức nhằm từng bước dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập cho các đối tượng yếu thế như lao động di cư, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0... Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách nhập khẩu lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và xu hướng già hóa dân số; điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động theo hướng duy trì và mở rộng các thị trường phát triển, có thu nhập cao.
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI