Tăng cường năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống

15:15:58 | 10/11/2022

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống - thiết bị công nghệ chế biến, bao bì ngành thực phẩm, đồ uống, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, trực thuộc VCCI đã phối hợp với Công ty VINEXAD tổ chức hội thảo “Tiếp cận thị trường quốc tế cho doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống: Những vấn đề quan trọng”.

Hội thảo tập trung cung cấp thông tin về những cơ hội, thách thức từ Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, đồ uống và cách tiếp cận thị trường bằng các nền tảng số.

EVFTA được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với EU. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu và các cam kết tiêu chuẩn cao, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), được kỳ vọng sẽ tạo ra cả động lực và áp lực để các doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển nhanh hơn, trở nên cạnh tranh hơn và vượt qua những hạn chế mà họ đang gặp phải để tiếp cận thị trường EU.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc cung cấp sản phẩm dịch vụ tới tay người tiêu dùng đã vượt qua giới hạn về cả khoảng cách thời gian cũng như không gian địa lý, đồng thời ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng cũng như tối thiểu hóa chi phí trong quá trình vận hành. Công nghệ số tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, VCCI cho biết, hai năm qua, dù tình hình kinh thế giới có nhiều biến động như dịch bệnh Covid-19, các cuộc khủng hoảng logistics, chuỗi cung ứng,... nhưng EVFTA đã nhanh chóng phát huy những tác dụng tích cực, không chỉ là đòn bẩy cho thương mại 2 chiều, còn là lợi thế ưu việt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.

Tính riêng 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường trong khối EU hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi các mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng ấn tượng như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%)… và kim ngạch nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng tăng ở mức cao như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%)…

Tuy nhiên, nếu xét về thị phần hàng Việt Nam ở châu Âu vẫn còn rất khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 40 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU.

Lý giải cho việc thị phần hàng Việt Nam ở châu Âu còn khiêm tốn, trong đó có các mặt hàng thực phẩm và đồ uống, LS. Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên VIAC cho biết, mặc dù lợi thế ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam là nguồn nguyên liệu (nguồn gốc từ nông sản) trong nước khá phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ; lao động giá rẻ; chi phí sản xuất thấp, có khả năng cạnh tranh cao về giá nhưng ngành cũng có hạn chế về quy mô, nguồn vốn; hệ thống cung cấp nguyên liệu trong nước thủ công và thô sơ, nhiều khâu phân tán dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa cao; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu; sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp, chưa được người tiêu dùng nước ngoài nhận biết; chưa chú trọng tìm hiểu về những cam kết trong các FTA, cũng như cập nhật những tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về sinh thực phẩm của nước thành viên nhập khẩu.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, để tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội do EVFTA mang lại thì doanh nghiệp phải hành động. Hai hành động phải ưu tiên hàng đầu thực hiện là nắm được những quy định và tăng cường năng lực tiếp cận thị trường.

Bích Hạnh (Vietnam Business Forum)