Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

20:35:24 | 17/11/2022

Ngày 17/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về Kế hoạch triển khai 6 Chương trình chuyên đề gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng Nông thôn mới.

“Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng ADB thực hiện chương trình.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, phạm vi của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn nông thôn của cả nước bao gồm 644 đơn vị cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 74 huyện nghèo thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chương trình “phủ sóng” đến 8.227 xã, trong đó có 1.458 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương khi sử dụng vốn Nông thôn mới phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật. Ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phương Đình Anh – Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biế: Về Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ theo hướng liên kết chuỗi giá trị về sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy giá trị văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo và sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ông Phương Đình Anh cũng cho biết, sẽ tập trung hỗ trợ quảng bá, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia, vùng và địa phương; thí điểm xây dựng 4 Trung tâm tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang) theo hình thức xã hội hóa.

Với kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, sẽ áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa…; xây dựng các công cụ, câu chuyện sản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn, liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng lao động tại chỗ, huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Nguồn: Vietnam Business Forum