Rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế

10:45:52 | 29/11/2022

“Với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7-7,5 phần trăm. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%”.​

Đây là những chia sẻ của ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội vừa qua với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”. Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF-MPI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức, nhằm phân tích và đánh giá quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng và phát triển trong năm tới.

Tác động chính từ yếu tố “bên ngoài”

Năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tăng trưởng GDP quý III/2022 vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm). Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024.

Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. “Bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ là tin đáng mừng sau hai năm gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái”, bà Ramla Khalidi nói.

Bà Ramla Khalidi cho rằng, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cũng có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt là trên thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an khang của các cộng đồng... Bởi vậy, bà Ramla Khalidi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.

Bảo vệ sự ổn định tài chính

Theo ông Francois Painchaud, để đối phó với những thách thức hiện nay, việc bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.​ Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả, nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng.​ Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính.​ Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên.​

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF- MPI cho biết, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại - từng bước trở về trạng thái trước COVID-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng. 

Ông Thắng cho biết, với các yếu tố tác động từ bên ngoài và bên trong, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Theo các chuyên gia, dù khó khăn nhưng nền tảng phát triển kinh tế Việt Nam vẫn là xuất khẩu, trong đó, phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến…Cùng với đó, Chính phủ cần xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân gói phục hồi gói phục hồi kinh tế xã hội.

TS. Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP

Tăng trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Tăng xuất khẩu có nghĩa là sản xuất hàng hóa “cạnh tranh”, nhưng cũng có nghĩa là sản xuất hàng hóa và dịch vụ “xu hướng” đang có tỷ trọng hàng hóa ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới. Hàng hóa “xu hướng” thường là hàng hóa được sản xuất tinh vi, đồng thời cũng là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến.

Trước thực tế này, Chính phủ có thể sử dụng đầu tư công, giáo dục và thông tin để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất hàng hóa và dịch vụ “xu hướng” cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup

Những rủi ro chính ở mức độ cao đối với nền kinh tế là sự bất ổn xã hội gia tăng, tác động đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, không chỉ phát hành trái phiếu mới mà còn cả với lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán. Việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt.

Bên cạnh đó, việc vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo, khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp. Vi phạm chéo khi ngân hàng có tư cách là nhà đầu tư, chất lượng tài sản ngân hàng (mặc dù mức độ rủi ro không đáng kể, dưới 3% tài sản thu nhập lãi). Điều này tác động đến các ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành trái phiếu và tham gia thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó là việc khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, kéo theo nợ xấu của ngân hàng lại càng xấu đi.   

Trước thực trạng trên, về ngắn hạn, VN cần rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân, chương trình tín dụng bất động sản, thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai​. Cần có những thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin của thị trường nợ​. Về trung hạn, cần tăng cường minh bạch thông tin. Có thể cho ra mắt thị trường thứ cấp tập trung vào tháng 6/2023 theo yêu cầu của Nghị định 65. Đồng thời, phát triển mở rộng các nhà đầu tư cơ sở và xây dựng tín dụng xanh.

Nguồn: Vietnam Business Forum