15:49:22 | 9/1/2023
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, bất ổn chính trị, lạm phát trên thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 3/11/2022, Tập đoàn LEGO đã làm lễ động thổ - khởi công xây dựng nhà máy lớn và quan trọng bậc nhất của LEGO tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã giải ngân được khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn được các tổ chức nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là địa bàn quan trọng để thực hiện các dự án chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới. Những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 đã tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Niels B. Christiansen - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO cho biết: “LEGO đã đầu tư xây dựng nhà máy thứ 06 tại Việt Nam và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn. Nhà máy này sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò ngang hàng với 05 nhà máy còn lại. Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho khách hàng toàn khu vực Đông Nam Á. Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch đã tạo niềm tin cho LEGO phát triển lâu dài tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam vẫn đáng lo, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách nới lỏng tài chính và gói kích thích tại mỗi quốc gia đang là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI toàn cầu. Số liệu thống kê tính đến ngày 20/12/2022 cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany khẳng định: “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt sau những cam kết và định hướng rõ ràng từ Hội nghị COP 26 về thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng trưởng xanh. Việt Nam đang trên hành trình hướng tới hiện thực hóa cam kết đi đôi với hành động, tạo môi trường thuận lợi cả về pháp lý và tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chuyển giao công nghệ. Theo tôi, Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao”.
Thêm vào đó, vị thế thương mại với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết đang giúp kết nối Việt Nam với khu vực ASEAN và toàn cầu là một lợi thế cạnh tranh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12 đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư.
Vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, năm 2022 đã xuất hiện nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực và hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn, làm cho dòng vốn FDI của Việt Nam ngày càng chất lượng. Lượng vốn này tập trung vào những dự án chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững từ các tập đoàn lớn như Apple, Lego, Samsung,... Các dự án này đang dần thay thế các dự án nhỏ.
Tổng Giám đốc Zamil Steel Việt Nam (ZSV) Krishnakanth Kodukula khẳng định: “Với vị trí địa lý thuận tiện cho giao thương, nguồn nhân công lao động dồi dào và một nền chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang vươn lên trở thành một trong những công xưởng mới của thế giới và sẽ trở thành điểm đến lý tưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển. Tầm nhìn của Tập đoàn Zamil Steel và Tập đoàn Đầu tư & Công nghiệp Zamil Industrial tại Việt Nam là dài hạn và chúng tôi luôn coi Việt Nam là cửa ngõ để vươn đến các thị trường khác trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
“Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất”- ông Alain Cany bày tỏ sự tin tưởng.
Ông Shimizu Akira
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam
Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi tin rằng các hoạt động giao lưu văn hóa, kết nối giữa hai nước sẽ sôi động hơn bao giờ hết. Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA, đồng thời tăng cường kết nối người dân, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị 50 năm giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Thứ nhất, về hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế: Trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA đã giảm 16-20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn (từ 30 năm đến 40 năm), với lãi suất thấp và cố định để làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, trong các dự án, Việt Nam có thể tận dụng công nghệ nước ngoài. Trong suốt thời gian thực hiện dự án luôn có sự tham gia của các công ty Việt Nam, nhờ vậy có thể nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong xây dựng hay quản lý, bảo trì sau khi dự án kết thúc. Qua đó hiệu quả của dự án sẽ được tăng cường.
Thời gian tới, nguồn vốn ODA vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam.
Thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực, JICA tiếp tục hợp tác thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật và vốn vay nhằm hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sĩ, thiết lập cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023 với mục tiêu đưa Trường Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên. Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai Hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh. Dự án nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thông qua việc xóa bỏ môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.
Thứ ba là trong lĩnh vực y tế, JICA đã đưa ra "Sáng kiến Y tế toàn cầu", ngay cả khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, JICA cam kết hợp tác hơn nữa trong công cuộc xây dựng một xã hội với khả năng ứng phó mạnh mẽ với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong đó, Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong sáng kiến này.
Nội dung cuối cùng là về trung hòa carbon, tức là đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng “0”. Bên cạnh đó, ngoài Thỏa thuận cho vay phát triển Dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị, JICA cũng đang xem xét cho vay mới đối với một số dự án sản xuất điện mặt trời và điện gió khác. Không chỉ vậy, JICA đang triển khai hợp tác trong một số vấn đề phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như: Hỗ trợ ban hành và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường; tiếp tục cử chuyên gia về tăng trưởng xanh và chuyên gia về chính sách thoát nước; triển khai dự án khu công nghiệp thông minh sinh thái tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050,... đúng như mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.
Ông Kim Ki Mun
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong các đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng đối với Hàn Quốc.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đã khiến số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc giao dịch với Việt Nam tăng 20% và hơn 90% trong số 8.000 công ty gia nhập thị trường Việt Nam cũng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, do lĩnh vực sản xuất chiếm 76,4% tổng số công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, trong tương lai sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong việc thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam có dân số lớn thứ 15 thế giới với truyền thống hiếu học. Giao lưu nhân dân cũng diễn ra sôi nổi, với khoảng 170.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Việt Nam và 4 triệu người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam hàng năm, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thân thiện.
Ngoài ra, các điều kiện phát triển thị trường trong nước, cơ sở hạ tầng sản xuất, nguồn nhân lực, chính sách của Chính phủ và sự gần gũi về văn hóa,... là những thuận lợi so với các quốc gia khác.
Chính phủ Việt Nam đã công bố tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một trong những nước tiên tiến có thu nhập cao với mức GDP bình quân đầu người là 10.000 USD dựa trên những lợi thế kể trên.
Hai nước đang tăng cường hợp tác lẫn nhau thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh nhằm nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, cùng với sự tăng trưởng liên tục của thương mại hai nước, sẽ có ngày càng nhiều công ty hợp tác trong các lĩnh vực, bổ sung cho các ngành.
Thêm vào đó, vì Hàn Quốc và Việt Nam đang tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) gần đây, hợp tác chuỗi cung ứng có thể được đẩy mạnh, đầu tư công nghệ cao có thể tăng lên và đây có thể là điểm khởi đầu.
Ông Simon Fraser
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam
Năm 2022, các hiệp định thương mại tự do giữa Australia và Việt Nam đã bổ trợ mạnh mẽ cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Với các hợp tác kinh tế đã ký kết trước đây, cộng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, đây là thời điểm rất thích hợp để tìm ra những cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Tôi cho rằng, CPTPP mang lại cơ hội tăng cường thương mại, xây dựng niềm tin giữa hai nước để gia tăng đầu tư. Về đầu tư FDI, vốn khá thấp hiện nay, thương mại gia tăng sẽ giúp tăng cường đầu tư giữa hai nước.
Với chiến lược Trung Quốc + 1, Việt Nam là thị trường thay thế tuyệt vời cho rất nhiều công ty Australia tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và cũng đang là môi trường đầu tư ổn định cho các nhà đầu tư Australia. Kinh tế Việt Nam hiện rất ổn định. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao, rất phù hợp cho các doanh nghiệp Australia đang tìm kiếm cơ hội ngoài Australia.
Ông Troels Jakobsen
Tham tán Thương mại kiêm quyền Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam
Số lượng doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam nhiều gấp đôi số doanh nghiệp các nước Bắc Âu khác cộng lại. Các doanh nghiệp đang ngày càng hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những lựa chọn mở rộng tại châu Á.
Việt Nam đang ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị gia tăng và đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng.
Một điểm hấp dẫn khác đối với các doanh nghiệp Đan Mạch là Việt Nam đang hướng tới năng lượng tái tạo. Đây là một trong những yếu tố chính để quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI