07:16:30 | 21/1/2023
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: VCCI sẽ đẩy mạnh xây dựng, thực hành đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh tương xứng với yêu cầu của một quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch VCCI khẳng định: Năm 2022, trong bối cảnh đầy bất ổn từ môi trường bên ngoài, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Điều này có được nhờ sự nỗ lực cố gắng, kiên cường, vượt khó để tồn tại qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021- 2026, ông có thể cho biết những kết quả bước đầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cũng như các đột phá chiến lược mà VCCI đã đề ra?
Đại hội lần thứ VII của VCCI được tổ chức vào 02 ngày cuối cùng của năm 2021 đã đưa ra tầm nhìn và chiến lược mới trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2022, VCCI đã quyết liệt triển khai ngay Chương trình công tác toàn khóa 2021-2026, tập trung vào 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược mà Đại hội đã đề ra, hướng tới xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng”. Kết quả công tác năm 2022 của VCCI đã có những đột phá và đổi mới quan trọng cả về nội dung, phương thức tổ chức và hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Về thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh, VCCI đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng và thực thi chính sách, từ các dự thảo luật đến các chủ trương, chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19”, đề xuất các ý kiến về xử lý một loạt các vấn đề nóng đối với doanh nghiệp và xã hội như lãi suất tín dụng, thị trường bất động sản, xăng dầu, lao động và việc làm,… Đặc biệt, Đảng đoàn VCCI đã tham mưu và trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế". Năm 2022 cũng là năm đánh dấu VCCI có rất nhiều nét mới trong hoạt động, đem lại chuyển biến và hiệu quả rõ nét, nổi bật như: Công bố bộ quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động thực hiện trong toàn quốc; đổi mới toàn diện việc bình chọn, trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lần đầu tiên đưa các tiêu chí về đạo đức, văn hoá kinh doanh là yếu tố cơ bản, bắt buộc trong bình xét; triển khai sáng kiến “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”, gồm 04 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.
Bên cạnh đó, VCCI vẫn phát huy và thực hiện tốt các hoạt động thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành “thương hiệu” của VCCI như: Khảo sát, đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2022; Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2022 và công bố TOP100 doanh nghiệp bền vững; Giải thưởng Bông Hồng Vàng cho các nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu,…
Trong công tác đối ngoại, VCCI đã triển khai trên 300 hoạt động quốc tế, trong đó có những hoạt động quan trọng như: Đăng cai tổ chức thành công Kỳ họp thứ ba của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC năm 2022 (ABAC III) tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh); tham mưu và tháp tùng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tham gia các hoạt động gặp gỡ, đối thoại cấp cao với cộng đồng doanh nghiệp khu vực trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Thái Lan, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia; các hoạt động hội nhập, xúc tiến thương mại đầu tư trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ASEAN, CACCI, GMS, ACMECS, PECC,...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch ABAC Việt Nam Phạm Tấn Công và các đồng chủ trì khác tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), tổ chức tại Hạ Long vào tháng 7/2022
Với khả năng hội nhập ngày càng cao, độ mở nền kinh tế ngày một lớn, điều này cũng sẽ tạo ra những thử thách khó đoán định cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Ông có chia sẻ gì với cộng đồng doanh nghiệp để có thể ứng phó linh hoạt trước biến đổi của nền kinh tế thế giới?
Nền kinh tế nước ta có độ mở cao, nên cái giá đánh đổi là sự nhạy cảm với các biến động quốc tế, vì vậy để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược xây dựng năng lực ứng phó với những biến động của thị trường thế giới.
Khi nói về khả năng ứng phó với biến động của thị trường, nhiều người thường nghĩ ngay đến những năng lực liên quan đến sự linh hoạt trong quản trị, đến thị trường đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp, đến công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh,… nhưng theo tôi những điều đó đúng nhưng chưa đủ. Quan sát năm 2021, 2022 đầy biến động vừa qua, chúng ta thấy những doanh nghiệp vững vàng vượt qua đều có đặc điểm chung là rất nổi trội về đạo đức, văn hoá kinh doanh, và ngược lại, có không ít các doanh nhân, doanh nghiệp tầm cỡ lại gục ngã đều có chung yếu tố là đạo đức kinh doanh có vấn đề.
Do vậy, tôi cho rằng để ứng phó với các biến động của thị trường, thì “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, doanh nhân, doanh nghiệp ngay từ khi khởi sự kinh doanh đã phải trang bị và gìn giữ, vun đắp đạo đức, văn hoá kinh doanh chuẩn mực, lấy đó là nguyên tắc, là điều “bất biến” để ứng phó với môi trường kinh doanh luôn đầy biến động, sóng gió.
Chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chuẩn mực văn minh, đạo đức trong kinh doanh là yêu cầu bắt buộc trong giao thương, đặc biệt là với các đối tác đến từ các quốc gia phát triển. Xu thế chung là ngày càng có nhiều các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được các quốc gia này thể chế hoá đưa vào luật, hình thành các tiêu chuẩn thương mại mới, tạo rào cản thị trường đối với các doanh nghiệp không thực hành các chuẩn mực này.
Bên cạnh đó, với tầm nhìn chỉ hơn 20 năm nữa Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, thì rõ ràng việc xây dựng và thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh chuẩn mực, vừa mang đậm giá trị Việt Nam vừa hội tụ tinh hoa của thế giới đã trở thành yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đối với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Và VCCI đã đưa đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngày 19/5/2022, nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 06 điều cơ bản nhất. Ngày 11/10/2022, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, VCCI đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”. VCCI cũng sẽ chính thức áp dụng các Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong xem xét, tuyên dương các doanh nhân và trong thời gian tới VCCI tiếp tục có nhiều hoạt động để xây dựng và thúc đẩy thực hành các chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, tiến tới xây dựng nền tảng sức mạnh văn hoá để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thành công trong hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch VCCI và các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022
Năm 2023 đánh dấu chặng đường 60 năm (27/4/1963 - 27/4/2023) phát triển của VCCI. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Điều lệ VCCI và đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ông có thể cho biết những hoạt động trọng tâm của VCCI trong năm 2023?
Phát huy truyền thống 60 năm, VCCI sẽ luôn nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả để đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan của Đảng, Nhà nước trong hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của đất nước.
Những diễn biến trong quý IV/2022 đang chỉ báo cho thấy năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức với kinh tế Việt Nam và thế giới, các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng ứng phó. Với VCCI, ưu tiên hàng đầu sẽ là việc nắm chắc tình hình, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn của năm 2023, tiếp tục phục hồi và phát triển. Ngoài ra, năm 2023, VCCI sẽ chủ động xây dựng, triển khai chương trình hành động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế, xã hội, cũng như triển khai các chủ trương, định hướng mới của Bộ Chính trị trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, sau khi hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
VCCI cũng tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp. VCCI sẽ chú trọng đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng FDI mang lại.
Năm 2023, VCCI sẽ có một số hoạt động mới, quan trọng, đó là khảo sát, công bố Chỉ số Xanh (Green Index) về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế tại các địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. VCCI sẽ phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động thúc đẩy xây dựng môi trường báo chí truyền cảm hứng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đồng thời xây dựng quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Hoạt động quốc tế năm 2023 sẽ rất sôi động, đặc biệt là VCCI sẽ mở ra thể thức mới phối hợp và hỗ trợ các địa phương mở rộng xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế thông qua khai thác, phát huy các quan hệ và vị thế của VCCI với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với việc được đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, công tác hội viên của VCCI sẽ có những đổi mới quan trọng, được thiết kế lại để phù hợp và phục vụ tốt hơn theo yêu cầu khác biệt của các nhóm hội viên như doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội doanh nghiệp,… Đặc biệt, sẽ thí điểm hình thành các VietCham tại các nước để kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác xây dựng, lan tỏa đạo đức, văn hoá kinh doanh cũng sẽ có nhiều hoạt động mới, quan trọng trong năm 2023. Về lâu dài, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, VCCI sẽ đẩy mạnh xây dựng, thực hành đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh tương xứng với yêu cầu của một quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại. Đây là nền tảng quan trọng, vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời vừa là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum