14:24:19 | 6/3/2023
Quan hệ song phương Việt Nam - Australia đã phát triển vượt bậc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Năm 2017, Australia và Việt Nam công bố quan hệ song phương được nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược và vào ngày 15/03/2018, tại Canberra, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Australia và Việt Nam.
Quyết định này thể hiện sự chín muồi, lớn mạnh và đa dạng trong quan hệ song phương giữa hai nước, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác như chính trị, thương mại đầu tư, giáo dục, an ninh - quốc phòng,...
Đối tác thương mại lớn
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và kinh tế toàn cầu thời gian qua. Kim ngạch thương mại song phương đã vượt mục tiêu 10 tỷ USD được Lãnh đạo cấp cao đề ra và đạt quy mô 15,7 tỷ USD vào năm 2022, tăng 26,9%. Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Kết quả đó phản ánh sự gắn kết, bổ sung giữa hai nền kinh tế, cũng như tác dụng tích cực của một số Hiệp định tự do thương mại mà hai nước là thành viên như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam bao gồm cà phê, hàng thủy sản, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, linh kiện điện tử có sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, các mặt hàng rau, củ quả và gạo cũng tiếp tục tăng hai con số.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như: Than các loại, lúa mì, bông các loại, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại..
Trước những dự báo khó khăn về tình hình kinh tế thế giới năm 2023, tại buổi tiếp và làm việc với ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tăng cường phối hợp cùng Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời khẩn trương triển khai các cơ chế hợp tác định kỳ để rà soát tình hình và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quan hệ thương mại và hợp tác công nghiệp giữa hai nước.
Về đầu tư, trong thời gian qua, đầu tư FDI của Australia vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2021, Australia đã đầu tư khoảng 550 dự án tại Việt Nam, với tổng trị giá gần 2 tỷ USD, là quốc gia có vốn FDI lớn thứ 19 tại Việt Nam. Trung bình, giá trị 1 dự án của Australia tại Việt Nam khoảng 3,56 triệu USD. Hiện FDI của Australia chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị FDI tại Việt Nam.
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng và bất động sản, nông lâm thủy sản, y tế, khai khoáng, nghệ thuật vui chơi giải trí, và giáo dục - đào tạo. Các nhà đầu tư Australia nổi bật tại Việt Nam bao gồm nhiều tập đoàn và công ty lớn như Austal, Blackstone Minerals, BlueScope Steel, CBH Group, LOGOS, Linfox, Mavin Group, SunRice và Đại hoc RMIT.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Australia khoảng trên 80 dự án cấp mới và 6 lượt điều chỉnh vốn với tổng số vốn đầu tư trên 520 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam sang Australia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông, lâm thủy sản; bán buôn bán lẻ và công nghiệp chế biến chế tạo.
Đa dạng nhiều lĩnh vực hợp tác
Trong tổng thể chung quan hệ giữa Việt Nam và Australia, hợp tác giáo dục - đào tạo có vị trí rất quan trọng và ngày càng phát triển do nhu cầu đào tạo của Việt Nam và thế mạnh của Australia. Với hơn 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, hợp tác giáo dục không chỉ góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và kinh tế của Australia mà còn là sợi dây văn hóa bền chặt, là nhịp cầu hữu nghị kết nối giữa người dân hai nước. Theo ước tính, có khoảng 80.000 đến 100.000 cựu sinh viên Việt Nam đã học tập tại Úc và trở về Việt Nam khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, Australia là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin sau khi Việt Nam mở cửa, bao gồm vệ tinh liên lạc, cáp quang ngầm trên biển hay những chiếc máy ATM đầu tiên. Tuy sau đó Australia đã không duy trì hợp tác trong các lĩnh vực này nhưng hiện nay nhiều nhà đầu tư Australia đã quay lại và đang kỳ vọng sẽ trở lại vị thế là đối tác hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử...
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chú trọng sản xuất dựa vào nguồn lao động dồi dào. Chính phủ Australia đang triển khai chương trình Aus4Inovation kể từ năm 2018 giúp đẩy mạnh quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ của Việt Nam. Đươc biết, Australia đang có kế hoạch kéo dài thêm chương trình này thêm 4-5 năm nữa cũng như tăng vốn cho dự án này.
Về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Úc đã và đang đầu tư vào các trang trại gió cả ở đất liền và ngoài khơi. Cơ quan quản lý năng lượng Úc cũng đã sẵn sàng đàm phán với cơ quan quản lý năng lượng Việt Nam để phối hợp hiệu quả.
Với mối quan hệ bền chặt 50 năm qua, Lãnh đạo hai nước đã nhất trí ủng hộ việc xem xét nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong thời điểm thích hợp. Đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự tin cậy mạnh mẽ lẫn nhau cũng như sự hợp tác thiết thực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Australia.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
6/4/2023
Hội trường số 1 tầng 7, VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội
06-08/4/2023
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ