09:23:55 | 14/4/2023
Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công, phát biểu tại buổi gặp (Ảnh: Trường Đặng)
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi gặp gỡ giữa trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp để kết nối và tìm cách thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Quang Hiệu, đã dẫn đầu đoàn trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026, trong đó có những thị trường trọng điểm của ta như Hà Lan, Canada, Brazil…
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Trong đó, kỳ vọng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP từ 60 - 65%.
Hiện nay, nước ta đang có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, trong đó đã có nhiều tấm gương mạnh dạn tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh để vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đầy khó khăn là nguyên nhân chính dẫn tới việc có tới hơn 51.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Do đó, Chủ tịch VCCI mong muốn các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như giới thiệu cho các doanh nghiệp tại nước ngoài về khảo sát đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…
Thứ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Quang Hiệu, chia sẻ tại buổi gặp mặt (Ảnh: Trường Đặng)
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, phái đoàn lần này gồm 16 cán bộ được bổ nhiệm tại các địa bàn ở Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi. Thông qua sự kiện gặp gỡ này, Bộ Ngoại giao mong muốn nắm bắt tình hình và nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, qua đó giúp các đại sứ, tổng lãnh sự trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi nhận nhiệm vụ tại nước ngoài.
Trong đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và VCCI cùng nhấn mạnh đến phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, các nước phát triển đẩy nhanh việc thực thi, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại, đầu tư quốc tế, gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các tiêu chuẩn xã hội. Do đó, đây là vấn đề doanh nghiệp trong nước cần quan tâm để cải thiện.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Sự kiện là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi tìm giải pháp thúc đẩy thương mại của Việt Nam ra thế giới (Ảnh: Trường Đặng)
Đồng chủ trì hội nghị, Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, điều đáng mừng là các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nắm bắt được các xu thế lớn ờ trên thế giới như tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng bền vững. Trong đó, vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. VCCI thường xuyên có các chương trình thương mại quốc gia được tổ chức tại nước ngoài, và đây là cơ hội để doanh nghiệp và các cơ quan ngoại giao cùng hợp tác để đẩy mạnh thương mại của Việt Nam ra thế giới.
Tại buổi gặp gỡ, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã cho ý kiến, trong đó mong muốn các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các địa bàn tìm hiểu, cung cấp thông tin về thị trường cũng như văn hóa, tập quán kinh doanh của nước bạn. Ngoài ra, hỗ trợ kết nối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường; xúc tiến thương mại quốc gia, cũng như có dự báo sát đúng để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả.
Điển hình, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều thách thức khi đơn hàng giảm, các đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều. Do đó, rất mong muốn được phối hợp với các cơ quan đại diện chia sẻ thêm thông tin về thị trường, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cũng đề xuất, hiện các sản phẩm nông sản như rau quả của Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường chủ lực như Trung Quốc. Do đó, ông mong muốn các trưởng đại diện hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm đối tác tại các thị trường mới nhiều tiềm năng như tại châu Phi.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI