Gia tăng giá trị hàng hóa, động lực cho phát triển kinh tế nông thôn

15:33:25 | 18/2/2023

Hà Nội vừa có thêm 4 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội". Như vậy, đến thời điểm này, thành phố đã công nhận được 321 làng nghề, làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống ở các địa phương

Tại làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Làng có nghề làm bánh, kẹo, bánh trung thu, bánh chả, bánh vừng vòng… truyền thống. Theo ông Hoàng Văn Tươi, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, Nội Am có 183/728 hộ làm bánh, kẹo, bánh trung thu truyền thống; số lao động làm nghề là 282 người, chiếm 20% tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt gần 70 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông, từ năm 2021, xã Liên Ninh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, làng Nội Am đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa xã Liên Ninh trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì.

Người dân làng Phú An, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) có nghề sản xuất đồ gỗ nội thất. Theo Trưởng thôn Phú An Nguyễn Doãn Hợp, trước năm 1990, dân làng Phú An chủ yếu đi đóng giường, tủ, bàn, ghế, cửa, kệ… cho xưởng mộc ở các địa phương. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận rất lớn, lại sẵn có nghề trong tay, người dân Phú An đã mở xưởng sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình. “Hiện nay cả làng có 161 xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, nhờ đó, kinh tế phát triển mạnh nhất xã Thanh Đa”, ông Nguyễn Doãn Hợp cho biết.

 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), cuối năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận 4 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” là: Làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang (xã Tích Giang) và làng nghề mộc thôn Phú An (xã Thanh Đa) cùng ở huyện Phúc Thọ; làng nghề may Vĩnh Trung (xã Đại Áng) và làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh) cùng ở huyện Thanh Trì. Như vậy, đến nay, thành phố đã công nhận 321 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống".

Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động ở các làng nghề hạn chế, khiến giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh so với sản phẩm tương đương của nước ngoài; thiết kế mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Nguyễn Trung Thành cho biết: “Việc nghiên cứu sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch còn yếu và thiếu. Thời gian qua, thành phố Hà Nội, các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm, nhưng những sản phẩm ưu việt phục vụ du lịch còn rất ít”.

Nhận thức được những hạn chế này, một số làng nghề hiện đang “chuyển mình”. Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) vốn nổi tiếng với nghề hương. Trước đây, tất cả các công đoạn đều phải làm bằng tay nhưng hiện nay, các khâu như pha chế nguyên liệu vót tăm tre, se hương… đều được ứng dụng máy móc bán tự động. Đặc biệt, gần đây, làng nghề sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu, đó là lò sấy nguyên liệu công nghệ cao bằng hơi nước.


 

Công nghệ lò sấy hơi nước giúp tăng hiệu quả kinh tế, vừa cho tăm hương có hình thức đẹp, chất lượng tốt hơn sấy trong lò đốt. Công nghệ này được đưa vào áp dụng giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu đốt lò, giảm ô nhiễm môi trường. Tương tự, nghề rèn ở Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) hiện nay cũng áp dụng nhiều loại máy như máy tạo phôi, máy mài, máy dập… trong sản xuất. Làng nghề sơn mài Hạ Thái vốn dựa vào sự khéo léo của bàn tay người thợ là chính, nhưng hiện nay, hầu hết các hộ gia đình sử dụng máy móc tạo “vóc” (cốt của sản phẩm trước khi ứng dụng các công đoạn khác để sơn và mài) giúp giảm công sức lao động.

Chuyển đổi số đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội và các làng nghề cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Nhiều làng nghề bước đầu ứng dụng chuyển đổi số trong thiết kế, quảng bá sản phẩm, phục vụ du lịch, nhất là nhóm làng nghề mỹ nghệ như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Song, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, hàm lượng chất xám cao. Nhiều làng nghề nhận thức được lợi thế của chuyển đổi số, nhưng lực bất tòng tâm. Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, bên cạnh vai trò bà đỡ của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, bản thân các làng nghề, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làng nghề cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ.

Đối với khâu thiết kế sản phẩm, các sản phẩm tại các làng nghề thủ công vẫn còn thiếu sự đầu tư sáng tạo, thiếu hạ tầng cho thiết kế. Việc sao chép các mẫu mã tại làng nghề còn phổ biến. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết: “Hạ tầng cho thiết kế chính là một trung tâm thiết kế chuyên nghiệp, nơi có thể phát huy và khơi dậy tinh thần sáng tạo của nghệ nhân và các thế hệ nối nghề. Một hạ tầng thiết kế là điều không thể thiếu để phát triển làng nghề. Hạ tầng thiết kế phục vụ cho việc trưng bày những tác phẩm sáng tạo độc đáo của các làng nghề, hỗ trợ thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Một trung tâm như vậy sẽ còn là một điểm du lịch hấp dẫn”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, tạo động lực để làng nghề phát triển, hằng năm, thành phố Hà Nội đều ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các làng nghề… Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...Cùng với việc tham mưu cho thành phố xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội đã chọn hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tập trung triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề và tham mưu UBND thành phố Hà Nội cho phép sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm...


Các làng nghề phát triển đã và đang tạo thêm nhiều động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Để nâng cấp được sản phẩm làng nghề, cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong hoạt động sản xuất. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)