18:50:39 | 17/2/2023
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNN&PTNT) phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023 vào sáng 17/2 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, .
Toàn cảnh Hội nghị
Dự và chỉ đạo Hội nghị, có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại biểu dự Hội nghị là đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và đại biểu Văn phòng điều phối Nông thôn mới 63 tỉnh, thành phố.
Năm 2022, Văn phòng điều phối NTM TW đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành hàng loạt văn bản thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, đạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động thực hiện.
Đồng thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách TW 5 năm, giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vốn ngân sách TW 2022, 2023 cho các bộ, ngành TW, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đáng chú ý, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện thủ tục trình Bộ NN&PTNT xem xét, ban hành Quy chế quản lý, thực hiện chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Cùng với đó, Văn phòng điều phối NTM 25/63 tỉnh, thành trên cả nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh, thành ban hành Kế hoạch triển khai chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để chủ động triển khai.
Công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai xây dựng NTM được Văn phòng điều phối NTM các cấp triển khai nghiêm túc, bài bản đã góp phần kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM của cả nước đã gặt hái được những kết quả khả quan, rất đáng ghi nhận. Hiện, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn NTM; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc TW được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hết năm 2022, cả nước có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, 4.586 chủ thể OCOP. Trong năm, cả nước đã huy động khoảng trên 621 nghìn tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách, chênh lệch lớn: vùng đồng bằng sông Hồng đạt 100%; Đông Nam Bộ đạt 92,6%; còn khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 47,5% và Tây Nguyên đạt 57,8%; Đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm, hết năm 2022 đã có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Mục tiêu năm 2023, cả nước sẽ có 78% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 25 số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; có từ 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí về OCOP.
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội nghị, các đồng chí: Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước xác định có vị trí, tầm quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng; là cơ sở, nền tảng để phát triển KT-XH bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, ANQP, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã triển khai được 12 năm, thành quả chương trình đạt được nhất là giai đoạn 2010-2020 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động nguồn lực trong dân rất lớn đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Chương trình tiếp tục được cả nước đẩy mạnh triển khai lồng ghép cùng Chương trình phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: “Hải Phòng đánh giá rất cao vai trò chủ trì, điều phối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng hệ thống Văn phòng Điều phối NTM toàn quốc. Do đó, việc tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp năm 2023 ngày hôm nay là hoạt động hết sức cần thiết, để đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM của hệ thống các Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp. Đồng thời xác định và triển khai các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm năm 2023, giải quyết một số vấn để còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương”.
“Thành phố Hải Phòng xác định, đây là cơ hội quý báu để Hải Phòng cùng các địa phương trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM của Thành phố thời gian qua, nhằm có thêm nhiều thông tin hữu ích, giải pháp hiệu quả để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025” ông Châu khẳng định
Tính đến nay, thành phố đã có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM; 137/137 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 42 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 22 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, hiện thành phố đang tiếp tục đầu tư trung bình khoảng 125 tỷ đồng mỗi xã, phấn đấu hết năm 2025 toàn bộ các xã sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã thực sự làm thay da, đổi thịt cho khu vực nông thôn của thành phố; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân của nâng cao rõ rệt. Từ đó, khẳng định chủ trương xây dựng NTM là chủ trương của ý Đảng và lòng dân.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phát biểu tại hội nghị
Theo Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chỉ ra thực tế: Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm, nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao năm 2022. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình đến hết tháng 12/2022 mới đạt 47,3%
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 5 vấn đề cốt lõi để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đó là: “Xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Một số sản phẩm Ocop được trưng bày bên lề Hội nghị.
Theo đó, vấn đề thứ nhất là trao đổi, thống nhất, quán triệt về tư duy, cách làm trong toàn hệ thống văn phòng, cán bộ tham mưu công tác xây dựng NTM từ trung ương đến địa phương; về nội hàm, định hướng, yêu cầu trong xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Thứ hai, đưa ra giải pháp triển khai đồng bộ các quy định về quản lý, tổ chức, cơ chế phối hợp thực hiện chương trình xây dựng NTM giữa các Bộ, ngành và các địa phương. Thứ ba, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để tập trung hoàn thành mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025. Thứ tư, đề xuất các giải pháp phối hợp thực hiện, cơ chế lồng ghép và huy động các nguồn lực để ưu tiên tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình nông thôn mới trên địa bàn nông thôn. Vần đề cuối cùng các đại biểu thảo luận là Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 có một điểm rất mới so với các giai đoạn trước, đó là: Ngoài việc ban hành Chương trình xây dựng NTM chung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Ngoài việc triển khai thực hiện 11 nội dung của Chương trình xây dựng NTM, thì các Sở, ngành, các địa phương cần làm gì, làm như thế nào để cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề theo hướng sát thực nhất.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. NTM chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng NTM là cho chính mình và cho thế hệ mai sau. Đồng thời, đánh giá cao sáng kiến của các địa phương, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nông thôn mới chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng nông thôn mới là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Bộ trưởng cũng khẳng định, mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Có thể nhiều địa phương có cùng 1 sản phẩm (mật ong, trà hoa vàng…) nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa."Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngoài Hội nghị chính diễn ra sáng nay, từ ngày 15/2 – 17/2 cũng đã diễn ra Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 với 7 chuyên đề và Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung về quy hoạch trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI