Với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng cùng phương châm xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện tỉnh đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.
![]() |
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bình Dương |
Điểm sáng thu hút đầu tư
Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút vốn FDI đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh đạt được những kết quả khả quan: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,48% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 60 tỷ USD; thu hút FDI đạt 1,9 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023;... Có được kết quả này không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bình Dương đang quyết tâm, dồn lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2025, qua đó không chỉ chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam mà còn tạo động lực để triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, quyết sách lớn của Trung ương và tỉnh nhằm sớm đưa Bình Dương bứt phá mạnh mẽ hơn.
Theo đó, tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số như PCI, PAR-Index, PAPI, SIPAS,... Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bình Dương dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,01%.
Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, Bình Dương luôn là địa điểm lý tưởng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện Bình Dương là tỉnh có số lượng doanh nghiệp xếp vị trí thứ 2 trong Vùng Đông Nam bộ, chiếm tỷ trọng 11,5%; xếp vị trí thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chiếm tỷ trọng 4,6%. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 42.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD); trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở thương mại. Ngày 1/2/2025, tỉnh trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án FDI với số vốn gần 1 tỷ USD. Các dự án này trải rộng trên các lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, logistics và bất động sản công nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch gần 20.000ha đất công nghiệp để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương..., sẽ tạo ra động lực thu hút mạnh đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Công nghiệp là động lực tăng trưởng chính
Theo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế.
Hướng đến mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương xác định việc phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng chính, chú trọng hiện đại hóa các ngành hiện hữu, nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng trung tâm công nghiệp hiện đại, chuyển đổi sang mô hình cộng sinh để đạt tiêu chuẩn gia nhập nền kinh tế carbon thấp; tập trung thu hút các ngành công nghiệp tương lai bao gồm: Máy móc, thiết bị công nghiệp; thiết bị điện tử viễn thông; điều khiển từ xa; thiết bị vi mạch tích hợp, chip điện tử, vật liệu mới; công nghiệp và kỹ thuật hóa học; dược phẩm và hóa mỹ phẩm. Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng CNC; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và khẳng định vị thế là trung tâm phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á, Bình Dương xác định chiến lược tập trung vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng các khu công nghiệp thông minh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ.
Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc