HẬU GIANG

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt đưa Hậu Giang vươn mình cùng cả nước

08:27:21 | 20/2/2025

Quán triệt phương châm hành động “tăng tốc”, “bứt phá” trong năm 2025, tỉnh Hậu Giang đang vào cuộc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh triển khai hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương theo phương châm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Ông Đồng Văn Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết: Quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, Hậu Giang sẽ nỗ lực tạo chuyển biến rõ nét và sự bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hậu Giang đã đạt kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế trong năm 2024. Ông chia sẻ thế nào về kết quả này; mục tiêu và nhiệm vụ của tỉnh trong năm 2025?

Năm 2024, Hậu Giang đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch; nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,76%, đứng thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ hạng cao của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 93,78 triệu đồng (kế hoạch 88,84 triệu đồng), tăng 12,09% so với năm 2023; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I (giảm 0,55% còn 21,4%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cùng kỳ, vượt 3,32% kế hoạch; thu ngân sách 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với cùng kỳ, vượt 0,27% kế hoạch,...

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm, đẩy mạnh.

Năm 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng tốc, bứt phá, về đích đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách hành chính; tăng cường công tác đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công trường thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hậu Giang (nút giao IC5 Km47+800 thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy), tháng 7/2024

Một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng 10,14%, phấn đấu đạt tăng trưởng 2 con số; GRDP bình quân đầu người đạt 106,44 triệu đồng, tương đương 4.174 USD, tăng 11,27% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 26.900 tỷ đồng, tăng 4,26% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.300 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế 4.818 doanh nghiệp, tăng 1,01% so với cùng kỳ,...

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hậu Giang năm 2023 tăng 03 bậc so năm 2022; 29 bậc so với năm 2021. Ông có chia sẻ gì vấn đề này; những điểm nghẽn cần tháo gỡ để giữ đà cải cách?

Với phương châm “2 nhanh, 3 tốt” (giải phóng mặt bằng nhanh, hoàn thiện thủ tục đầu tư nhanh và cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt), Hậu Giang đang tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn để thu hút đầu tư với quan điểm xuyên suốt: “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh còn một số khó khăn nhất định, như: Tỷ lệ lao động chất lượng cao ít, hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn,…

 Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tăng cường nguồn lực, phát huy hiệu quả vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tạo không gian phát triển mới. Tỉnh sẽ đầu tư khu công nghệ số; tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Chính quyền tỉnh cũng sẽ tiếp tục phấn đấu để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân.

Đặc biệt, tăng cường cải cách hành chính; cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp,...

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang đã phát triển thế nào? Từ kết quả đạt được, tỉnh đang vào cuộc, triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị ra sao?

Qua 20 năm hình thành và phát triển cùng với sự trưởng thành của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 4.499 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, tỷ trọng khối doanh nghiệp đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 77%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 18%. Kinh tế cá thể phát triển mạnh, tỉnh có gần 54 ngàn hộ kinh doanh, nguồn vốn trên 7.000 tỷ đồng. Nhiều thương hiệu hàng hóa đã và đang khẳng định uy tín, vị thế cạnh tranh, tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng.

Hậu Giang đặt mục tiêu: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030 các doanh nghiêp đóng góp 60 - 70% GRDP tỉnh; thu hút khoảng 6.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có 65 - 70% chủ doanh nghiệp có trình độ Đại học trở lên; 25 - 30% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ,…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hậu Giang sẽ tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển tỉnh và cả nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường đoàn kết, hợp tác; phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Cùng với cả nước, Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và thông qua Kế hoạch định hướng triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh. Ông có thể cho biết rõ hơn quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai?

Thời gian qua các đơn vị trong tỉnh rất nỗ lực trong việc xây dựng dự thảo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo theo định hướng sắp xếp của Trung ương, quy định của Chính phủ và phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị.

Đến nay, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện của Hậu Giang đã giảm 12 phòng so với thời điểm thực hiện Nghị quyết. Đảng ủy khối trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh giảm 01 đơn vị, phòng và tương đương trực thuộc Đảng ủy khối cấp tỉnh giảm 5 phòng. Cơ quan chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, cấp huyện giữ ổn định. Giảm 16 ban, văn phòng trực thuộc cơ quan Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Đối với cơ quan cấp sở, giảm 56 phòng (từ 155 xuống còn 99 phòng), giảm 49 cấp phó trưởng phòng; giảm 10 chi cục thuộc sở (từ 16 còn 6 chi cục), giảm 14 chi cục phó; giải thể 57 phòng chuyên môn thuộc chi cục. Đối với cấp huyện giảm 13 phòng (từ 101 phòng còn 88 phòng).

Về đơn vị sự nghiệp công lập, đã sắp xếp giảm 60 đơn vị, còn lại 395 đơn vị. Tỉnh cũng đã giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã và 14 ấp, khu vực. Trên cơ sở sắp xếp các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu vực, Hậu Giang đã giảm được 462 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm 3.911 người ở ấp, khu vực. Tỷ lệ giảm biên chế đạt 17,95% với tổng số biên chế công chức, viên chức giảm hơn 3.400 biên chế.

Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng; thành lập Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng UBND tỉnh; thành lập Đảng bộ chính quyền tỉnh. Xây dựng dự thảo Đề án sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm sau sắp xếp được hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội. Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các cơ quan, tổ chức phải bảo đảm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong Đảng và toàn thể hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)

Sự kiện sắp tới

Triển lãm Quốc tế Thể thao và Sức khỏe Đài Bắc 2025

26 - 29/3/2025

Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc