Với việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa nhằm ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng tỉnh Hậu Giang đã đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động giao dịch tại trụ sở VietinBank Hậu Giang
Năm 2024, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chính quyền tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của ngành liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngoại hối, ngân hàng và các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Trong đó, bám sát Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn làm tốt hơn công tác dự báo nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp (DN), chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN theo quy định. Đặc biệt, quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục; nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Công tác thẩm định tài sản xét duyệt cho vay của các TCTD đảm bảo thực hiện đúng quy trình, linh hoạt, ưu tiên các phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tài sản đảm bảo của DN và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN gặp khó khăn tạm thời, thiếu vốn kinh doanh.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 31/12/2024, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 25.244 tỷ đồng, tăng 11,08% so với cuối năm 2023. Vốn huy động đáp ứng được 56,82% cho hoạt động tín dụng. Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 44.427 tỷ đồng, tăng 11,04% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 22.963 tỷ đồng (chiếm 51,69% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung, dài hạn là 21.464 tỷ đồng (chiếm 48,31% tổng dư nợ). Nợ xấu toàn địa bàn là 774 tỷ đồng, chiếm 1,74%/tổng dư nợ;...
Trong thời gian tới, để hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng phát huy hiệu quả, NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang đề ra một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của ngành, của địa phương đến các TCTD trên địa bàn, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng như các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tham mưu, góp ý sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN về biện pháp quản lý hoạt động các TCTD. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng.
Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025 và các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng hành cùng DN, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đặc biệt là đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bùi Liên (Vietnam Business Forum)