Tuy đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2024 vẫn đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với năm 2023 và vượt 0,27% kế hoạch đề ra. Ông Lê Phước Thái - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang cho biết: Ngành luôn quyết tâm cao, nỗ lực lớn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Hậu Giang vươn mình cùng cả nước.
![]() |
Hậu Giang đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách và đạt nhiều kết quả khả quan. Một vài chia sẻ của ông về những nỗ lực này?
Với việc nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ, đến nay, Hậu Giang không chỉ dần ổn định nguồn thu ngân sách mà còn tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có, hướng đến phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế ngày càng tự chủ. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8,76%, đứng thứ hai trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với năm 2023 và vượt 0,27% kế hoạch đề ra. Công tác quản lý thu - chi NSNN được triển khai hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu cân đối tài chính, đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên, đầu tư phát triển và các chế độ, chính sách an sinh xã hội.
Năm 2025, Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang xác định mục tiêu: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao là 9.200 tỷ đồng, đạt 143,08% dự toán Trung ương và 110,84% dự toán HĐND tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng/năm (năm 2025 tăng 5.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020).
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu nêu trên, ngành sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Trung ương và tỉnh, hoàn thiện quy định về tài chính - ngân sách, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, ngành.
Hai là, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản lý, điều hành thu - chi NSNN.
Ba là, tập trung phát triển các nguồn thu bền vững, hướng đến cân đối ngân sách tự chủ.
Bốn là, đẩy nhanh thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đảm bảo thu từ đất đạt và vượt kế hoạch.
Năm là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sáu là, tăng cường kỷ luật tài chính, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách.
Ngày 31/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên (nay là Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ) và ông Lê Phước Thái, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Thời gian qua, Sở Tài chính đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư?
Sở đã thực hiện nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực, nổi bật như: Triển khai thực hiện linh hoạt và hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sở cũng rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến tài chính, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục trực tuyến.
Ngoài ra, Sở còn tham gia các buổi đối thoại với doanh nghiệp, cà phê doanh nhân; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư.
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, thu ngân sách, Hậu Giang còn đi đầu trong việc xã hội hóa xóa nhà tạm, dột nát cho người dân. Trong ảnh: Ông Trần Văn Chính (bên trái), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ đại diện ngân hàng
Song song với đó, tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư công trọng điểm, nhất là các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị nhằm giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền và xúc tiến đầu tư. Trong đó, cung cấp thông tin tài chính, ngân sách đầy đủ và minh bạch để hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược đầu tư.
Ông nhìn nhận thế nào về quá trình cải cách hành chính (CCHC) của ngành Tài chính Hậu Giang những năm qua? Việc đẩy mạnh cải cách tài chính công đã đem lại những hiệu quả gì đối với việc nâng cao năng lực bộ máy hành chính?
Công tác CCHC luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, điều hành tập trung, chặt chẽ, xuyên suốt nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra và thực hiện tốt 6 nội dung đề ra về CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo Nghị định số 76/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Những năm qua, công tác cải cách tài chính công tiếp tục được nâng cao và càng ngày hoàn thiện, góp phần hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Trong phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính, cơ cấu chi NSNN đã tác động tích cực đến cân đối thu - chi, bảo đảm tính bền vững của NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống thể chế và khuôn khổ pháp lý về quản lý tài chính công được đổi mới đồng bộ.
Về chi NSNN, đã hoàn thiện khung pháp lý quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi ngân sách theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch; thực hiện tự chủ đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý tài sản công.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tự chủ 100% đối với các cơ quan, đơn vị bắt buộc thực hiện. Cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới, giúp cho đông đảo người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn; tăng tính tự chủ cho các đơn vị, giảm áp lực đối với cân đối NSNN.
Việc giao quyền tự chủ về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc sử dụng biên chế, tài sản và kinh phí một cách hợp lý, tăng cường khai thác nguồn thu. Ngoài ra, việc thực hiện hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, hoạt động dịch vụ khác được một số đơn vị quan tâm và đã xây dựng đề án sử dụng tài sản công nhằm gia tăng nguồn thu của đơn vị, địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (Vietnam Business Forum)