Thông qua việc phối hợp cùng các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong thanh, kiểm tra, ngành Thanh tra tỉnh Hậu Giang đã nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Trịnh Hoàng Ba - Chánh Thanh tra tỉnh đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) kiểm tra điểm thi tại Trường THPT Vị Thanh, tháng 6/2024
Chỉ số Chi phí không chính thức tỉnh Hậu Giang năm 2023 đạt 7,90 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2022; xếp 01/63 tỉnh, thành phố. Có được kết quả đó không thể không kể tới vai trò của ngành Thanh tra. Những chia sẻ của ông về vấn đề này?
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, công tác xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN luôn được chú trọng. Thanh tra tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị dự thảo kế hoạch thanh, kiểm tra DN năm 2024 gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh, kiểm tra trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Trường hợp có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng 01 DN, Thanh tra tỉnh sẽ trao đổi với các đơn vị xử lý chồng chéo theo hướng các đơn vị tự thỏa thuận hoặc các đơn vị phối hợp cùng thực hiện 01 cuộc, tránh trường hợp thanh tra quá 01 lần/năm đối với DN. Trường hợp thanh tra ngoài kế hoạch được duyệt, các đơn vị phải xin ý kiến thống nhất của Chủ tịch UBND tỉnh theo chỉ đạo tại Công văn số 579/UBND-NC ngày 24/4/2023.
Thực hiện Quyết định số 2197/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 của tỉnh Hậu Giang, ngành Thanh tra tỉnh Hậu Giang thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, DN 422 cuộc (40 cuộc thanh tra, 382 cuộc kiểm tra). Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với cơ quan Thuế và Bảo hiểm xã hội tự rà soát ban hành 122 cuộc, trong đó: Cơ quan Thuế thực hiện 36 cuộc; Bảo hiểm xã hội 86 cuộc (64 cuộc thanh tra, 22 cuộc kiểm tra).
Để đạt được thành tích nêu trên, từng công chức trong ngành đã thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau: Chủ động nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2022/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;… Nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý chồng chéo, trùng lặp trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Nhằm đưa hoạt động thanh, kiểm tra ngày càng hiệu quả, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện những giải pháp nào?
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 1859/KH-UBND ngày 12/8/2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc; Công văn số 579/UBND-NC ngày 24/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hạn chế việc thanh, kiểm tra gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, DN.
Thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã phát hiện các sự việc thiếu sót, sai sót của một số cơ quan, DN, chủ đầu tư,... để tham mưu kịp thời, ngăn chặn, xử lý và khắc phục. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Để tham mưu kịp thời, ngăn chặn, xử lý và khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các đơn vị, DN qua thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, Thanh tra tỉnh tập trung lãnh chỉ đạo ngành thực hiện tốt các nội dung sau:
Làm tốt công tác nắm bắt thông tin, kịp thời thanh tra, kiểm tra khi công ty, DN có dấu hiệu vi phạm. Thanh tra, kiểm tra DN lồng ghép nhiều nội dung vào 01 cuộc thanh tra để tránh phiền hà cho đơn vị. Tổ chức 01 cuộc thanh tra, kiểm tra cùng lúc nhiều đơn vị để tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực. Kịp thời thông tin, thỉnh thị báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những hạn chế, thiếu sót, những vi phạm của đơn vị, DN để có hướng xử lý thích hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (Vietnam Business Forum)