Đào tạo nguồn nhân lực bám sát nhu cầu thực tiễn

10:43:10 | 12/5/2023

Một trong ba chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh. Thực hiện nội dung này, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã và đang chủ động đưa ra nhiều giải pháp: Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hoạt động hiệu quả; phân luồng học sinh; mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn,...


Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An

Tăng cường gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

Những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, công tác GDNN của Long An đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 25 cơ sở GDNN (3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm GDNN và 8 cơ sở, doanh nghiệp tham gia GDNN); bình quân tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 23.000 lao động/năm. Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở được đầu tư; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định. Chương trình, giáo trình thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất nên chất lượng đào tạo được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường.

Kết quả, đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh đạt 73,35%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,07% và có trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Đặc biệt, gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở GDNN đã phối hợp với trên 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai tuyển sinh đào tạo. Các hoạt động cụ thể gồm có: Tổ chức học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp theo nội dung chương trình đào tạo; nhận nguyên liệu tổ chức cho học sinh thực hành làm ra sản phẩm; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức Ngày hội việc làm, huy động cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; cử nhà giáo định kỳ thực hành thực tế tại doanh nghiệp,...

Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Cao đẳng Long An đã phối hợp với 04 doanh nghiệp để triển khai đào tạo nâng cao tay nghề cho 370 lao động của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho biết: Qua phối hợp, mối liên kết giữa trường và doanh nghiệp ngày càng gắn bó, giảm áp lực về đầu tư thiết bị của trường; giúp cho giáo viên có điều kiện được bổ sung kiến thức chuyên môn, thực tiễn trong quá trình giảng dạy; học sinh, sinh viên được tiếp cận với thiết bị và công nghệ mới, hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và có được việc làm phù hợp với chuyên môn sau khi đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có chất lượng, tay nghề phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động

Ngày 15/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có Kế hoạch số 1233/KH-SLĐTBXH ngày 15/3/2022 triển khai cho các cơ sở GDNN, Trung tâm Dịch vụ việc làm và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai tuyên truyền về Nghị quyết với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp như: Đăng tải tin, bài viết trên báo in, báo điện tử; phát phóng sự trên Đài phát thanh và Truyền hình; in ấn pa nô tuyên truyền,… Các cơ sở GDNN phối hợp với địa phương, doanh nghiệp thực hiện công tác truyền thông tuyên truyền về Nghị quyết, tư vấn học nghề, việc làm cho học sinh và phụ huynh, Đề án đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh; triển khai công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn,…

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An, dự báo trong năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 45.000 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 59,55%; chế biến, chế tạo chiếm 19,98%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 13,49%; kinh tế, văn phòng chiếm 6,98%.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thị trường, cung - cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp cố định tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An và lưu động tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp và tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối người lao động tìm việc làm với doanh nghiệp tuyển dụng.

Long An đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; phấn đấu có 40% lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%, có 45% lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm.

Ngoài ra, thường xuyên phối hợp điều tra, khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động của tỉnh; cập nhật hàng tuần lên website của Sở liên thông với Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng số Long An ID,… Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin, phục vụ việc tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động.

Song song với đó, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách: Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để thu hút, giữ chân người lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)