Phát triển bền vững là sự đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp

14:15:42 | 7/7/2023

“Phát triển bền vững (PTBV) không phải là chi phí hay gánh nặng, mà chính là sự đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp”, đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD với phóng viên xoay quanh chủ đề thúc đẩy PTBV trong doanh nghiệp.

PTBV là cơ hội và là một khoản đầu tư của doanh nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, theo ông làm thế nào để tối ưu hoá? 

Có thể nói, nguồn lực chính là sức khỏe của doanh nghiệp, là cơ sở thiết yếu để đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Những nguồn lực về mặt con người, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, thời gian, v.v… cần được quản lý và phân bổ thành các tổ hợp hiệu quả trong dài hạn nhằm hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài. Tuy nhiên, người lãnh đạo cần lưu ý việc phân bổ nguồn lực này cũng sẽ đòi hỏi được bố trí phù hợp với các mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn của doanh nghiệp, qua đó giảm thiểu lãng phí, thúc đẩy tận dụng nguồn lực linh hoạt và kiến tạo tối đa giá trị thay vì đầu tư dàn trải.

Nguyên tắc cơ bản của việc tối ưu hóa nguồn lực đó là bảo đảm những tài sản cả về con người, vật chất, hữu hình hay vô hình của doanh nghiệp đang được phân bổ vào đúng mục đích, tập trung vào những sáng kiến, hoạt động mũi nhọn, gắn với chiến lược phát triển doanh nghiệp và định hướng phát triển của Nhà nước. Do đó, công tác thu thập, tổng hợp thông tin và báo cáo về các nguồn lực doanh nghiệp hiện có là rất quan trọng, trách nhiệm giải trình này không chỉ là để đáp lại những yêu cầu bên ngoài từ thị trường, nhà đầu tư và cơ quan quản lý, mà còn có vai trò thúc đẩy công tác quản lý nội bộ và hoạch định chiến lược của doanh nghiệp từ bên trong thông qua ảnh hưởng tích cực đến công tác lập kế hoạch, đánh giá nguồn lực hiện có, xác định trọng tâm ưu tiên, rà soát quá trình thực hiện và đánh giá hiệu quả triển khai.

Để giúp doanh nghiệp đáp ứng được những nhu cầu đó, đồng thời bám sát yêu cầu phát triển bền vững, sản xuất xanh và kinh doanh có trách nhiệm, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam đã phát triển Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (bộ Chỉ số CSI), với các hợp phần chỉ số phân theo khung xã hội – môi trường – kinh tế - quản trị. Hàng năm, Bộ chỉ số đều được điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế, chính sách pháp luật trong nước mới ban hành và có ảnh hưởng đến sự vận hành và phát triển của DN.

Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DN trong nước với nguồn lực hữu hạn, nên tiếp cận, nghiên cứu, “đào sâu” vào Bộ chỉ số CSI như một công cụ quản trị DN bền vững. Từ đó, DN có thể thống kê, rà soát và tổng hợp những nguồn lực bản thân hiện có theo một khung hệ thống khoa học, sau đó tự đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực đó, đồng thời kiểm đếm những chi phí tài chính và cả phi tài chính, đo lường sức khỏe của doanh nghiệp trên thang đo mức độ PTBV.

Phiên bản Bộ chỉ số CSI 2023 được hội đồng chuyên gia đánh giá cải tổ toàn diện về mặt cấu trúc, rõ ràng, dễ tiếp cận, lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp, vậy đâu là những trọng số mà doanh nghiệp cần quan tâm, thưa ông?

Năm 2023, Bộ Chỉ số CSI có 130 chỉ số định tính và định lượng, được chia thành 07 phần. Với 82 chỉ số cơ bản (C) và 48 chỉ số nâng cao (A) được phân bổ đều vào các nội dung thông tin tổng quan, thông tin kinh tế - xã hội – môi trường, cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý, tổng hợp kết quả kinh doanh trong 03 năm, và các chỉ số quản trị doanh nghiệp, chỉ số môi trường, chỉ số lao động xã hội.

Doanh nghiệp khi hoàn thành kê khai thông tin theo các chỉ số định lượng của Bộ Chỉ số cũng sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng phát triển bền vững tại doanh nghiệp mình. Đây là bộ công cụ phù hợp cho mọi loại hình doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhờ tính toàn diện và bao trùm của các chỉ số.

Các doanh nghiệp mới tiếp cận Bộ Chỉ số có thể bắt đầu ngay từ bây giờ với các chỉ số cơ bản được liệt kê trong danh mục, xây dựng nền móng vững chắc trước khi tiến lên các chỉ số nâng cao. Bộ Chỉ số CSI 2023 cũng đã tích hợp thang điểm tự đánh giá vào phần mềm nộp hồ sơ tham dự Chương trình, giúp doanh nghiệp có thể tự đo lường kết quả hoạt động của mình chi tiết hơn.

Yếu tố mới và tiên tiến nhất được tích hợp vào Bộ Chỉ số CSI 2023 là việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo về ESG, xin ông cho biết điều này có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?

Yếu tố ESG được tích hợp trong Bộ Chỉ số CSI là điểm hỗ trợ đặc biệt tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp họ lập được các báo cáo PTBV tích hợp ESG theo các yêu cầu của luật pháp trong nước và quy định trên thế giới.

Các chi tiết liên quan đến vấn đề kiểm kê và cắt giảm phát thải trong phạm vi từng hoạt động sản xuất cũng được đưa vào Bộ Chỉ số, nhằm đánh giá chính xác đóng góp của doanh nghiệp vào mục tiêu chung giảm nhẹ phát thải cacbon đến năm 2030 và lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng kinh doanh của cuộc đua xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Với vai trò tiên phong trong thúc đẩy phát triển bền vững cùng với Chương trình CSI, VBCSD-VCCI sẽ có những chương trình hành động cụ thể như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Nhằm bắt kịp các yêu cầu trong nước và xu hướng trên thế giới, các hoạt động trọng tâm của VBCSD sẽ xoay quanh vai trò và đóng góp của doanh nghiệp trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, bền vững, kinh tế tuần hoàn, và tài chính xanh hướng đến cuộc đua xanh. Trong khuôn khổ Chương trình CSI, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp, thúc đẩy việc tích hợp Bộ Chỉ số vào công tác quản trị nhằm lan tỏa triết lý kinh doanh bền vững.

Cụ thể, ngày 14 và 15/07 sắp tới, chương trình đào tạo về Bộ Chỉ số CSI 2023 sẽ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, với quy mô 100 học viên từ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ trên cả nước. Tiếp đó, hoạt động đào tạo tương tự cũng dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8. Nội dung của chương trình đào tạo sẽ xoay quanh việc xây dựng khung báo cáo, giải trình cho doanh nghiệp thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI, thực hành khung ESG, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng, bao trùm và bình đẳng.

Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam (CSI) 2023 được chủ trì tổ chức bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với sự phối hợp của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Doanh nghiệp quan tâm có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại https://vbcsd.vn/csi2023/dn-login.asp

Chương trình không thu bất kỳ chi phí nào của DN. Hạn chót nhận hồ sơ 31/8/2023.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)