Thúc đẩy hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore

07:14:09 | 15/8/2023

Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 15 của Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh những lợi thế về logistic và cơ cấu hàng hóa đa dạng, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia duy nhất trong khu vực có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và Anh, tạo ra nhiều dư địa phát triển thương mại.

Thương mại tăng trưởng ổn định

Singapore thuộc nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao. Quốc đảo này là trung tâm thương mại tự do lớn của quốc tế và trung tâm trung chuyển hàng hóa với ngành dịch vụ logistics, vận tải biển hàng đầu thế giới. Singapore có môi trường pháp lý khá thông thoáng, cởi mở để tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động thương mại. Với 70% hàng hóa nhập khẩu được tái xuất khẩu, Singapore là đích đến tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.

Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Singapore luôn phát triển tích cực và tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Singapore được ký kết tháng 12/2020 đã mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước có sự tăng trưởng ổn định trong thời gian qua, đạt 9,1 tỷ USD trong năm 2022, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Đối với thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, cơ cấu hàng Việt Nam sang thị trường Singapore tương đối bền vững. Trong đó, các mặt hàng chế biến có giá trị cao chiếm tỷ trọng từ 67-76%, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ chiếm 5,5-13% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập khẩu, do đó đây là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như hàng nông sản, thủy sản, dệt may, thực phẩm chế biến….

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore các mặt hàng chế biến, chế tạo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác…

Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vựcvới 16 FTA, trong đó có một số FTA thế hệ mới như CPTPP và RCEP. Việt Nam và Singapore cũng có FTA với EU và Anh. Nhờ vậy, hai nước có thể tận dụng từ các FTA đã ký kết để tăng cường hợp tác, đặc biệt cùng thâm nhập các thị trường thứ ba trên cơ sở tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), khai thác thương hiệu và mạng lưới đối tác nhập khẩu, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử…

Tuy là một đất nước nhỏ với chưa đầy 6 triệu dân, nhưng mức tiêu dùng qua thương mại điện tử (TMĐT) của Singapore có thể nói gần tương đương với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân của Việt Nam. Người tiêu dùng Singapore có xu hướng phụ thuộc vào TMĐT nhiều hơn người dân các nước khác do cường độ làm việc cao, nền tảng thanh toán thuận lợi an toàn và tốc độ Internet cao. Theo Bộ Công Thương, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn TMĐT ở Singapore thông qua các doanh nghiệp cung ứng trung gian dịch vụ. Nhà cung ứng dịch vụ trung gian này đứng ra là nhà nhập khẩu (xin giấy phép nhập khẩu), làm thủ tục hải quan, cung ứng dịch vụ lưu kho, giao nhận và trung gian bán hàng trên một hoặc cùng lúc trên nhiều sàn TMĐT.

Những giải pháp thúc đẩy thương mại

Để khai thác, mở rộng các thị trường mới, tăng kim ngạch hai chiều, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần tăng cường trao đổi đoàn kết nối, thăm dò thị trường, xây dựng phát triển thương hiệu và hợp tác phân phối tập trung vào các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh.Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông sản, hàng dệt may và điện tử, trong khi Singapore có lợi thế trong dầu khí, hóa chất và sản phẩm công nghiệp. Việc tăng cường hợp tác và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao từ mỗi quốc gia sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối về nghiên cứu, hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch, kiểm nghiệm giữa các đơn vị hữu quan của Việt Nam và Singapore, nhằm từng bước hợp quy tiêu chuẩn giữa hai nước để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến. Đồng thời, hai nước cần tăng cường quảng bá thương hiệu để thu hút các đối tác và khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore cần phối hợp chặt chẽ trong các định chế hợp tác kinh tế - thương mại đa phương, tận dụng tốt hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Singapore và Việt Nam đều là thành viên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và là một cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Singapore để mở rộng thị trường và tăng cường hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, vì vậy doanh nghiệp hai nước cần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng TMĐT và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)