09:00:47 | 10/8/2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn- Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều ngày 8/8 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhận định: Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta đã chịu "tác động kép", không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Bởi thế, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Hơn thế, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn..., cả nền kinh tế nói chung, đang phải "bơi trong dòng xoáy khó khăn".
Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…
Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ cũng đã tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Chính phủ đã có một loạt động thái như ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành để giảm mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với diễn biến lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay... Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân...
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Các chuyên gia, nhà quản lý DN, trao đổi tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) - Ảnh: VGP/HT
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi vay vẫn còn cao là một trong các rủi ro lớn của nền kinh tế. Vị chuyên gia này dẫn chứng, có không ít doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Một trong những nguyên nhân lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỉ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia này, có 3 yếu tố để thấy tỉ giá năm nay giảm, USD khó "sốt" trở lại và NHNN có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.
Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái xuống còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỉ giá – song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương. TS Lê Xuân Nghĩa dự báo khả năng cuối năm nay Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
"Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỉ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ", TS. Nghĩa nhận xét.
Trên thế giới, chỉ số ngành sản xuất PMI toàn cầu đang nhích lên, cho thấy kinh tế thế giới đang ở đoạn cuối của đáy phục hồi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U từ tháng 11/2022 và bắt đầu phục hồi nhẹ và dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ DN, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định.
TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam thì mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT.
"Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu", TS Nguyễn Đình Cung kỳ vọng.
Vấn đề quan trọng hơn cả, theo vị chuyên gia này, đó là cải cách môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Có cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vì vậy, cải cách trong nước vô cùng quan trọng cả về ngắn và dài hạn để chia sẻ bớt khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh của DN.
Ông Phan Đức Hiếu đánh giá cao những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó, mới đây là Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 105 với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, không chỉ cải cách thủ tục hành chính mà còn cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh "không ban hành các quy định mới nếu tạo ra chi phí tuân thủ cho DN". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 6/8/2023 thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác).
"Nhiệm vụ của Tổ công tác này không chỉ là cải cách hành chính mà còn giám sát chủ động, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc duy trì kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, đây là việc hết sức cần thiết", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI