15:01:17 | 5/9/2023
Việc kết nối hạ tầng khu công nghiệp các tỉnh trục cao tốc phía Đông gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên sẽ tạo ra một không gian rộng lớn, năng động và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút các dự án đầu tư lớn.
Sử dụng nhiều lao động và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 khu kinhh tế (KKT) và KCN, trong đó Hải Phòng 01 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha; Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha; Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha; Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.
Các KCN trên địa bàn 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn. Tính riêng đến hết năm 2020, tổng số lao động trong các KCN ở Hải Phòng là 157.967 người. Hải Dương sử dụng khoảng 102.014 lao động.
Đặc biệt, các KCN có đóng góp lớn cho thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Các dự án trong KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới, chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng theo Chủ tịch VCCI, việc phát triển khu công nghiệp các tỉnh thuộc trục cao tốc phía Đông thời gian qua cũng bộc lộ hạn chế. Mặc dù là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn chưa cao.
Theo thống kê, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trong tiểu vùng hiện mới đạt khoảng 50%. Trong đó Hải Phòng cao nhất với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% (tính đến 2021) với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha; Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30/6/2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% - thấp hơn so với bình quân cả nước, số KCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng; Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, tuy vậy tỉ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên mới đạt 47,8%.
Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, là trục chính tập trung nhiều KCN nhưng Quốc lộ 5 hiện đang trong tình trạng cũ và xuống cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Ngoài ra, quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế.
Được đánh giá cao về tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics, thế nhưng thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp tại 4 tỉnh thành này vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Dịch vụ logistics chưa thực sự đồng bộ về chuỗi cung ứng, thiếu tính liên kết vùng… Quảng Ninh, Hải Phòng có thuận lợi về cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không để xuất, nhập khẩu thương mại đến nhiều quốc gia nhưng hiện vẫn chủ yếu tập trung vào thị thường Trung Quốc và các địa phương khu vực phía Bắc trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông, thủy sản nói riêng. Các khu công nghiệp trên địa bàn trục cao tốc phía Đông phát triển còn rời rạc, chưa có sự liên kết hiệu quả, “mạnh ai nấy làm”, chưa phát triển đồng bộ theo hướng xanh, bền vững…Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc trong các khâu giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương…
Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội các công trình thiết chế phục vụ cho KCN, CCN như nhà ở công nhân, trường học, bênh viện và trung tâm nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị xung quanh.
Tạo sự thống nhất và liên kết hiệu quả
Ngày 28/05/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP “Quy định về Quản lý Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp” đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”. Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành trong trục cao tốc phía Đông đến năm 2030 dự kiến tổng số KCN trên địa bàn 4 tỉnh thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 KCN. Tổng diện tích các KCN là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha, tức là tăng gần gấp đôi. Hiện trạng các KCN đang được đưa vào khai thác thực tế là 15.913ha với tỷ lệ lấp đầy là 50,45%, tức là diện tích KCN thực sự đưa vào sản xuất là 8.028ha. Chủ tịch VCCI nhận định, đây sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các KCN.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý KKT Quảng Ninh, trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương cần phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung cho cả 4 địa phương và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất và đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các KCN, KKT.
Ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin dữ liệu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển. Phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, nhất là sự phối hợp giữa các Ban quản lý các KCN 4 tỉnh, thành phố. Các địa phương trong vùng cũng cần thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kết cấu giao thông đồng mức, đồng bộ đảm bảo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong trục kinh tế cao tốc phía Đông.
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, về cơ chế chính sách, cần tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các bộ, ngành chủ động phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối” của các Ban Quản lý KCN, KKT... Để nâng cao hiệu quả liên kết phát triển hạ tầng KCN, cần xây dựng đề án phát triển các KCN, KKT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định cụ thể số lượng, diện tích và tiến độ thực hiện các KCN, KKT; đồng thời, tận dụng được sự ảnh hưởng của nguồn lực, thế mạnh của địa phương lân cận. Mỗi địa phương cần tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực, và chia sẻ, kết nối trong xúc tiến đầu tư, nhằm tạo cho các KCN khả năng thu hút đầu tư tốt nhất.
Đặc biệt, theo ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, để thu hút các dự án phát triển bền vững, bên cạnh việc tận dụng tốt các ưu đãi về đất, mặt bằng, cần sử dụng công cụ thuế một cách hiệu quả, các tỉnh cần có chung một quy định về sử dụng đất mặt bằng, nước thải một cách hợp lý, bởi trong thời gian tới nếu không có biện pháp xử lý hợp lý thì rất khó phát triển.Trong tương lai cần thiết phát triển các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái, cần phát triển đường sắt, đường thủy nội địa một cách đồng bộ để thúc đẩy phát triển, vận hành các cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, đồng thời, cần có nhiều sáng kiến hơn nữa tương tự như sáng kiến phát triển trục cao tốc phía Đông này.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI