Đẩy mạnh phát triển du lịch chất lượng cao, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế

09:07:44 | 4/10/2023

Với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên và số lượng các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng đứng đầu cả nước, Hải Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh đang tập trung phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.


Danh thắng Côn Sơn

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm vùng châu thổ sông Hồng, là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã để lại cho vùng đất này những tài nguyên, di sản vô giá.

Toàn tỉnh hiện có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 04 khu di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 263 di tích cấp tỉnh, 08 bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh,... Đây là những lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như: Núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ, sông Lục Đầu,…là những điểm đến thu hút du khách tham quan trải nghiệm trong thời gian qua.

Không chỉ có cảnh quan đẹp, Hải Dương còn có 826 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng vùng miền, thu hút nhiều du khách về tham quan, trẩy hội, như: Lễ hội mùa Xuân, mùa Thu Côn Sơn, Kiếp Bạc, lễ Khai bút đầu xuân đền thờ thầy giáo Chu Văn An (Chí Linh), lễ hội Văn Miếu Mao Điền, đền Bia (Cẩm Giàng); lễ hội Làng Tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang); lễ hội đền Long Động (Nam Sách),...

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn. Nơi đây có các làng nghề nổi tiếng như: Chạm khắc gỗ Đông Giao, rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng); Vàng bạc Châu Khê (Bình Giang); Gốm Chu Đậu, hương Quốc Tuấn (Nam Sách);… Đặc biệt, ẩm thực đặc sản Hải Dương đã nức tiếng gần xa, được nhiều du khách yêu thích như: Bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn, bánh gai, vải thiều Thanh Hà, rươi,...

Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, Hải Dương đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Giai đoạn 2021- 2023, đã có 07 dự án được đầu tư với nguồn kinh phí khoảng gần 1,7 ngàn tỷ đồng gồm vốn ngân sách tỉnh và Trung ương để tu bổ, tôn tạo hạ tầng phía trước đền Kiếp Bạc (Chí Linh); hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà); hạ tầng kỹ thuật và bảo tồn sinh thái Khu Đảo Cò (Thanh Miện),… Sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, đa dạng, đi vào chiều sâu.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước đón và phục vụ khoảng 919.667 lượt khách, tăng 2,4 lần so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế: 23.761 lượt, tăng 10,3 lần so với năm 2022, khách nội địa 895.906 lượt, tăng 2,4 lần so với năm 2022. Doanh thu 391,1 tỷ đồng, tăng gần 2,7 lần so với năm 2022.


Múa Rồng tại lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Phát triển du lịch chất lượng cao tạo sự khác biệt

Ông Vũ Đình Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ; tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu,…”.

Thời gian qua, Sở đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" với trọng tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chủ động khai thác, mời gọi đầu tư nhằm phát huy tối đa tiềm năng, phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quảng bá, giới thiệu và mời gọi các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm du lịch đặc thù như: “Về với nghệ thuật rối nước Vùng Đồng bằng sông Hồng", “Tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực Vùng Đồng bằng sông Hồng" tại đảo Cò Thanh Miện, “Con đường khoa cử Việt", “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt", “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt", “Du lịch nghỉ dưỡng thiền - dưỡng sinh tại Chí Linh", “Chạm khắc gỗ Đông Giao - nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ xứ Đông" và “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông”.

Cùng với việc xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, Hải Dương tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ du lịch đối với các đơn vị lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, điểm tham quan. Chất lượng dịch vụ du lịch tại Hải Dương sẽ từng bước được nâng lên.

Về đẩy mạnh liên kết, tỉnh đã thực hiện ký kết với các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang,... trong việc chia sẻ kinh nghiệm, liên kết đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi góp phần phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 đạt 140,5 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, khách nội địa là 3.722,2 nghìn lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.628 tỷ đồng, cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh sẽ có 2.200 buồng lưu trú, toàn tỉnh có 17.143 lao động du lịch.

Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt, thuộc TP.Chí Linh. Nơi đây còn bảo lưu được nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc và phong phú. Côn Sơn - Kiếp Bạc đã và đang được đầu tư để trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2025 với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng (du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng,...)

Đến năm 2030, đón 3,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 4,4 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 18.900 tỷ đồng, cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh dự kiến 15.000 buồng lưu trú. Chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch phân khúc cao cấp.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng những nỗ lực, chủ động tham mưu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới, du lịch Hải Dương sẽ tiếp tục bứt phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và năng lực cạnh tranh của tỉnh nói chung và du lịch Hải Dương nói riêng.

Hà Thành (Vietnam Business Forum)