Ưu tiên thu hút đầu tư vào 4 trụ cột kinh tế

09:06:46 | 5/10/2023

Song song với việc tăng tốc thu hút đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực (KKT Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - huyện Ngọc Hồi; Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen - huyện Kon Plông; Tp.Kon Tum), thời gian qua tỉnh Kon Tum cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào 4 trụ cột kinh tế: nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, phát triển đô thị, du lịch. Nỗ lực này nhằm phát huy triệt để mọi tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước đưa Kon Tum phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững.

Hội tụ tiềm năng lợi thế

Nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là điểm kết nối quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, tỉnh Kon Tum hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế với vị trí đắc địa; địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp năng lượng; cảnh quan thiên nhiên đa dạng, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Hiểu rõ những ưu thế khác biệt, lợi thế so sánh, những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung khai thác, phát huy tối đa lợi thế để góp phần đưa kinh tế Kon Tum phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.


Thủ tướng nghe báo cáo về định hướng quy hoạch phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen

Cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kon Tum có vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 với quy mô 138.116 ha. Cao nguyên Măng Đen nằm trên độ cao trung bình 1100 - 1200 m so với mặt nước biển, là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm mát mẻ (bình quân năm 200C), là điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao. Ngoài ra địa phương còn có vùng sản xuất sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông; trong đó Sâm Ngọc Linh được coi là một trong những loài sâm quý hiếm, có hàm lượng saponin và giá trị kinh tế cao nhất hiện nay.

Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh Kon Tum đã tiến hành quy hoạch, định hướng và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn với các mô hình công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ dựa trên lợi thế của từng địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phát triển bền vững ngành dược liệu trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, hướng tới mục tiêu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất duợc liệu lớn của cả nước; trong đó chú trọng phát triển sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm này.

Với chiến lược và giải pháp hiệu quả, đến nay tỉnh Kon Tum đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong cũng như ngoài nước đến triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp xanh - an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, bước đầu đã cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn ra thị trường. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, rau hoa xứ lạnh, cây dược liệu. Với sự vào cuộc của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai Dự án đầu tư hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh đã góp phần sớm đưa các sản phẩm được sản xuất từ Sâm Ngọc Linh ra thị trường và phát triển thành công thương hiệu quốc gia Sâm Ngọc Linh.

Ngoài Sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum còn có vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn quốc tế mang thương hiệu Cà phê Đăk Hà. Đặc biệt, Cà phê Đăk Hà là sản phẩm cà phê đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức UTZ Certified trao chứng nhận Quốc tế; được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và bình chọn TOP 500 sản phẩm - dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, Top 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và cup vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

Cùng với nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, Kon Tum còn có lợi thế lớn trong khai thác, phát triển du lịch với thiên nhiên đa dạng, giữ được nét hoang sơ; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn, phát huy cùng với nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị. Chính vì vậy những năm gần đây tỉnh đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy thế mạnh du lịch để đưa "ngành công nghiệp không khói" phát triển. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI cũng xác định đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình và là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn của "con đường xanh Tây Nguyên", phát triển du lịch Cột mốc ba biên tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, thu hút đầu tư khai thác các tuyến du lịch đặc thù gắn với bản sắc văn hoá của địa phương nhằm tạo sự khác biệt, đặc trưng riêng của du lịch Kon Tum. Với sự đầu tư chiều sâu đã góp phần đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Bình quân giai đoạn 2021-2023, tổng lượng khách đến tỉnh tăng 38,59%/năm. Riêng năm 2023 lượng khách du lịch ước đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước 450 tỷ đồng, gấp 3,75 lần so với năm 2020.

Về phát triển đô thị, những năm gần đây hệ thống đô thị Kon Tum đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỷ lệ đô thị hóa của các đô thị trong toàn tỉnh được nâng cao qua từng năm, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, tại các đô thị đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình kiến trúc mang những sắc thái riêng; hạ tầng dịch vụ đô thị ngày càng được hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt, Tp.Kon Tum - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã được công nhận đô thị loại II (theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ) và có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Có thể khẳng định hệ thống đô thị Kon Tum đã đóng góp lớn cho sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tỷ trọng đáng kể (chiếm hơn 50%); tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị thường nhanh hơn khu vực nông thôn khoảng 1,92 lần. Nguồn thu của các đô thị, đặc biệt là của Tp.Kon Tum chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước (trên 20%). Hệ thống đô thị với sức hút lớn đã thúc đẩy hình thành các KCN như: KKT Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai…; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ mô hình nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Rộng cửa đón nhà đầu tư

Với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới tỉnh Kon Tum lựa chọn 4 trụ cột ưu tiên thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững gồm: nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch và phát triển đô thị. Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào 4 trụ cột kinh tế này, ngày 6/4/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Theo đó danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 có 154 dự án gồm: 69 dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 14 dự án trên lĩnh vực công nghiệp; 40 dự án trên lĩnh vực văn phòng, thương mại, dịch vụ, du lịch; 31 dự án trên lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị.


Đoàn công tác của tỉnh Kon Tum học tập kinh nghiệm và thu hút đầu tư dự án chế biến gỗ tại Tuyên Quang

Cụ thể trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tỉnh Kon Tum sẽ thu hút đầu tư các dự án: Trang trại chăn nuôi lợn tập trung kỹ thuật cao Kon Tum với tổng vốn 798 tỷ đồng; Dự án nông nghiệp công nghệ cao Tp. Kon Tum với vốn đầu tư 550 tỷ đồng,…

Về lĩnh vực phát triển đô thị, Kon Tum sẽ thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn như: Khu đô thị mới phía Tây đường Trần Hưng Đạo, Tp.Kon Tum với vốn đầu tư 690 tỷ đồng; các dự án tại Khu đô thị - du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao với vốn đầu tư 859 tỷ đồng; Khu đô thị mới Plei Kần với vốn đầu tư 980 tỷ đồng; Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở phía Nam hồ Toong Đam, thị trấn Măng Đen, Kon Plông với vốn đầu tư 685 tỷ đồng... Đáng chú ý dự án Khu đô thị, tổ hợp dịch vụ, du lịch thuộc phân khu Đông Nam, thị trấn Măng Đen quy mô 273 ha là một trong số những dự án được kêu gọi với tổng mức đầu tư lớn nhất, lên đến 8.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng 2025, một trong ba khu vực chính định hướng phát triển của tỉnh là vùng phía Đông, lấy Khu du lịch sinh thái Măng Đen là hạt nhân, làm động lực phát triển cho các đô thị huyện Kon Plông, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông. Ngoài ra, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng được định hướng phát triển theo ba chức năng chính là du lịch, thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các đô thị mới theo tuyến biên giới và các trục giao thông chính để tạo chuỗi đô thị liên kết trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Kon Tum xác định thu hút đầu tư vào 4 trụ cột ưu tiên (nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch, phát triển đô thị) sẽ là khâu đột phá chiến lược, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cũng như sự nghiệp CNH - HĐH của tỉnh nhà. Với chính sách trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, tỉnh Kon Tum rộng cửa chào đón và sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Điều này cũng thể hiện khát vọng mới, tinh thần cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền tỉnh trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với mảnh đất Kon Tum giàu tiềm năng khai phá.

Công Luận (Vietnam Business Forum)