Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc: Chung sức xây dựng và phát triển bền vững các KCN

19:28:28 | 3/10/2023

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Đình Nhã, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc về thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc và định hướng phát triển trong thời gian tới. Nguyệt Thắm thực hiện.

Ông vui lòng chia sẻ đôi nét về quá trình hoạt động và phát triển của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc từ khi mới thành lập đến nay?

Trên cơ sở đề xuất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 29/9/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 190/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 36/1997/NĐ-CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để Ban Quản lý các KCN ra đời, hoạt động và trưởng thành như ngày hôm nay.


Đồng chí Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tại Hội thảo XTĐT và gặp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập

Tại thời điểm mới thành lập, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc chỉ có 7 cán bộ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban, với 02 phòng chức năng là Văn phòng và phòng Nghiệp vụ Kế hoạch Tổng hợp, trực thuộc Ban Quản lý các KCN Việt Nam. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ bản hoàn thiện với tổng số 50 công chức, viên chức và người lao động, bố trí tại 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ đầu tư.

Trong suốt 25 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ quản lý các Khu kinh tế); sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc thành một tập thể vững mạnh với nhiều thành tích đáng ghi nhận, tự hào.


KCN Bá Thiện I được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Cùng với sự phát triển của các KCN, tập thể Ban Quản lý các KCN tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hệ thống các sở, ban, ngành, đóng vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh và trong sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà; nhiều năm liên tục là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tập thể Ban và nhiều cá nhân đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành chức năng và của tỉnh, đặc biệt, tập thể Ban đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba.

Xin ông cho biết cụ thể hơn trong chặng đường 25 năm, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc như thế nào?

Trong suốt hành trình 25 năm qua, Ban quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN, góp phần quan trọng hình thành nên hệ thống đồng bộ các KCN, không chỉ đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn đáp ứng tốt nhu cầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp.


Khu công nghiệp Bá Thiện II hấp dẫn các nhà đầu tư

Khi mới thành lập, Vĩnh Phúc chỉ có 01 KCN Kim Hoa với diện tích giai đoạn 1 - 50 ha, sau 25 năm,  tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển 19 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 5.487,31 ha. Trong đó, có 16 KCN được thành lập với tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt là 3.168,02 ha và 03 KCN đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, đã có  08 KCN đi vào hoạt động, các KCN hoạt động đều đã được lấp đầy bởi các dự án đầu tư thứ cấp.

Cùng với công tác quy hoạch các KCN, Ban cũng tập trung đề xuất tham mưu cho tỉnh từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN nhằm tạo ra tính đồng bộ về hạ tầng; hỗ trợ diện mạo và sự thuận lợi, tăng sức hấp dẫn của các KCN, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong đó, việc chủ động quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng KCN hợp lý đã và đang tạo được lợi thế cạnh tranh với các KCN ở các tỉnh, thành lân cận, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài; từng bước tạo ra môi trường đầu tư có tính riêng biệt, cạnh tranh cao.

Đối với các KCN đã lấp đầy, Ban luôn quan tâm giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo ra tính lan tỏa trong thu hút đầu tư tại chỗ; đối với các KCN đang giải phóng mặt bằng; hoặc chưa có chủ đầu tư hạ tầng, Ban chủ động đề xuất với UBND tỉnh; tích cực phối hợp với các sở, ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ GPMB để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm năng để hướng tới các KCN đã quy hoạch nhằm nâng cao giá trị, tỷ lệ thu hút đầu tư.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển và các quy định pháp luật mới liên quan (theo quy định của Luật quy hoạch & Nghị định số 35/2022/NĐ-CP), Ban đã xây dựng Phương án phát triển hệ thống KCN tích hợp vào nội dung của quy hoạch (chung) tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nội dung này tỉnh Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ bổ sung thêm 8 KCN (nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh là 27 KCN) với tổng quy mô sử dụng đất là 10.000 ha.

Cùng với đó, Ban quản lý các KCN đã thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; khuyến khích, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư - kinh doanh hiệu quả trong các KCN. Trong 25 năm qua, để có kết quả như hôm nay, Ban đã luôn chủ động, tìm kiếm và trực tiếp tham gia nhiều cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài với tỉnh nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh nói chung và của các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài; trực tiếp làm việc với nhiều đối tác; các Đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Đài Loan), Hoa kỳ, Ấn Độ và Singapore… đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh từ đó nắm bắt thông tin về nhu cầu đầu tư, đề xuất với tỉnh các lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư.

Chủ động kết nối với các tổ chức tư vấn đầu tư Quốc tế, các tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp các khu vực (Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á…và Hiệp hội doanh nghiệp và các công ty tư vấn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận trực tiếp để mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và các công ty đa quốc gia... Với những nỗ lực đó, 25 năm qua đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư vào các KCN của tỉnh, trong đó có các đối tác là các Tập đoàn lớn vào đầu tư như: Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Compal…


Công ty cổ phần Tập đoàn CNC Tech (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc)

Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, quan tâm, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; từng bước thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước sau đầu tư. Đồng thời với công tác thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển KCN, công tác quản lý các dự án sau cấp Chứng nhận đăng ký đầu tư được Ban xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Thông qua việc thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư, đôn đốc thực hiện tiến độ đầu tư của các dự án, phối hợp với các ngành các cấp kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, ổn định và bình đẳng cho các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp triển khai dự án…

Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển bền vững các KCN, Ban sẽ triển khai những nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu nào trong thời gian tới, thưa ông?

Từ mục tiêu chung của tỉnh, để nâng cao vị trí vai trò và phát huy có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước của Ban, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển bền vững các KCN; Ban quản lý các KCN sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất: Coi trọng công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập, tập trung đầu tư xây dựng KCN ở những vùng, những địa bàn có đầy đủ điều kiện và lợi thế phát triển; không phát triển dàn trải cho tất cả các địa bàn huyện, thành phố của tỉnh, theo hướng phát triển các KCN chuyên sâu, mô hình KCN mới phù hợp với Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính Phủ quy định về quản lý KCN và KKT. Từ đó, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội, các tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN. Quan tâm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân; xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… tại các địa bàn tập trung nhiều KCN và bãi đỗ xe đưa đón công nhân tại các KCN.

Thứ hai: Cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN, ưu tiên, chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là sản xuất mũi nhọn phát triển và có lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, hướng tới xã hội hóa trong vận động, xúc tiến đầu tư vào các KCN, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng trong thu hút đầu tư, như đẩy mạnh marketing, xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng…

Thứ ba: Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư sau cấp phép; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh để làm tốt công tác hậu kiểm trên các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, lao động và bảo vệ môi trường tại các KCN; tập trung vào hướng dẫn cho doanh nghiệp, chuẩn hoá các tiêu chuẩn, quy trình để đảm bảo doanh nghiệp có thể tự thực hiện một cách thuận lợi nhất, đồng thời nâng cao trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước trong mỗi lĩnh vực; cảnh báo nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì áp dụng các chế tài xử phạt, xử lý…

Thứ tư: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc áp dụng thủ tục hành chính thông thoáng theo cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý KCN. Do số dự án/nhà đầu tư ngày càng nhiều, nhưng lực lượng cán bộ mỏng nên rất cần Lãnh đạo tỉnh quan tâm, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước, bổ sung thêm nhân lực, biên chế cho Ban; đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum