10:50:35 | 11/10/2023
50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là những vấn đề được gợi mở trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những thành quả cũng như định hướng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước thời gian tới.
Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2023), đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư?
Năm 2023 là dấu mốc hết sức đặc biệt trong quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, đánh dấu tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973 – 21/9/2023). Trong 50 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều dấu mốc quan trọng, khuôn khổ hợp tác giữa hai nước không ngừng được nâng cấp, từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2009 và Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác song phương cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đối tác lao động thứ hai, đối tác du lịch, đầu tư thứ ba và đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam. Có thể nói, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhất trí đánh giá quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất.
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hai nước, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao, tiềm năng hợp tác lớn, liên kết kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ.
Về hợp tác phát triển (ODA), kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992 đến nay, nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam luôn được duy trì ở mức cao. Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị cả vốn vay và viện trợ không hoàn lại khoảng 3.000 tỷ Yên, chiếm khoảng 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn (cảng biển, đường cao tốc, sân bay, cầu), tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam; tháng 11/2003, hai nước đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng tăng đều qua các năm. Với hơn 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 70 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản đã có mặt tại hầu khắp các địa phương của Việt Nam (57/63 địa phương). Nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản có quy mô lớn, trình độ công nghệ hiện đại, quy trình quản lý tiên tiến đã góp phần giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về quan hệ thương mại, Việt Nam và Nhật Bản đã dành cho nhau Quy chế thuế suất tối huệ quốc năm 1999, ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2008, hai bên cùng tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này đã giúp kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại song phương lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 47,2 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2010 và 9,7 lần so với năm 2000. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn tăng trưởng ổn định, cân bằng; tăng trưởng thương mại bình quân đạt 10,9% trong giai đoạn 2000-2022.
Về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hiện nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản (VJOIN) với hơn 500 thành viên là các trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Năm 2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) và Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã ký Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên triển khai hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực này trong tương lai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) phối hợp tổ chức Hội thảo Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội, ngày 7/3/2023
Được khởi xướng từ tháng 4/2003, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa Chính phủ hai nước. Đến nay, trải qua 20 năm triển khai, Sáng kiến đã có vai trò thế nào trong việc thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung? Các kiến nghị, đề xuất để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến trong thời gian tới, thưa ông?
Là cơ chế hợp tác đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003, mục tiêu của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan Chính phủ với đại diện cộng đồng doanh nghiệp
Nhật Bản tại Việt Nam. Sau gần 20 năm thực hiện với 08 giai đoạn, Sáng kiến chung đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, đồng thời cũng được đánh giá là một trong những diễn đàn có hiệu quả nhất trong các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Là kênh đối thoại chính sách rất hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với phía Nhật Bản xây dựng và triển khai hiệu quả giai đoạn 9 Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản; trong đó, sẽ tiếp tục tập trung vào một số nội dung: (i) Tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách, góp phần cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam; (ii) Tập trung vào việc tham mưu, đề xuất các nhóm chính sách về chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (iii) Triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; (iv) Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng; (v) Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng lãnh đạo các bộ, ngành dự Hội thảo hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tháng 5/2022
Ông có thể cho biết những định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản?
Theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Việt Nam coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Quan điểm, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam được đưa ra trong Nghị quyết 50 NQ/TW là: Chủ động thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, kết nối với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Mục tiêu tổng quát về thu hút đầu tư nước ngoài trong Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam là: Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, mục tiêu cụ thể bao gồm: (1) Hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; (2) Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 – 2030; (3) Tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; (4) Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Với Nhật Bản, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cầu nối để doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập triển khai một số nội dung sau:
- Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực: Hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đổi mới sáng tạo, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam,... Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, nhất là những doanh nghiệp gia đình truyền thống có các công nghệ cần chuyển giao để xem xét hợp tác chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
- Hợp tác thu hút các dự án đầu tư thế hệ mới của Nhật Bản sang Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi các phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất xanh nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
- Nghiên cứu, hợp tác với Nhật Bản để triển khai Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo điều kiện để một số doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
- Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản tổ chức các cuộc tọa đàm, diễn đàn để cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà cung ứng Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
- Theo đánh giá, Việt Nam hiện nay là đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản. Để duy trì vị thế này, trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Nikai Toshihiro cùng Đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 8/5/2023
Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, đầu tư và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện, triển khai các chương trình hợp tác, đầu tư phát triển với Nhật Bản như thế nào, thưa ông?
Nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới, ngày càng sâu sắc, thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, tôi cho rằng trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm, giải pháp và duy trì ủng hộ giữa hai nước về các nội dung phù hợp tại các diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC),… Trao đổi tình hình thực thi, hướng phối hợp xử lý các vấn đề thương mại, đầu tư liên quan trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),…
Thứ hai, tiếp tục thu hút và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Nhật Bản. Tích cực thúc đẩy phía Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu của đất nước như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc và các dự án phù hợp với xu thế toàn cầu như năng lượng tái tạo, nâng cao giá trị nông sản,…
Thứ ba, tăng cường thu hút các dự án đầu tư thế hệ mới của Nhật Bản sang Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi các phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất xanh nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Thứ tư, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, gắn với sự tham gia bền chặt và hiệu quả hơn của các doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Nhật Bản dẫn dắt. Trong quá trình này, việc tạo thuận lợi, khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng từ phía Nhật Bản cho doanh nghiệp, cán bộ Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải có ý thức học hỏi, vươn lên một cách nghiêm túc và kiên định để đáp ứng yêu cầu hợp tác với phía Nhật Bản. Ngược lại, sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng còn phức tạp.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy việc kết nối, khai thác hiệu quả mạng lưới trí thức tại Nhật Bản trong Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, đưa hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trở thành điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI