Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt với nền kinh tế số

09:12:36 | 8/11/2023

Mặc dù có nhiều nền tảng được xem là lợi thế cho việc thúc đẩy kinh tế số phát triển trong các doanh nghiệp, chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng dịch vụ internet và các thiết bị thông minh, smartphone cao, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; hay sự cam kết và nỗ lực thúc đẩy số hoá nền kinh tế từ phía các cơ quan quản lý nhà nước… song các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số.

DN Việt chủ yếu đang ở giai đoạn đầu số hóa

Theo ThS. Bùi Dương Hưng, Trường Đại học Công đoàn, những “điểm yếu” của các DN Việt hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp số có quy mô nhỏ, thiếu hụt tài chính cho đầu tư kỹ thuật số, thiếu hụt về thu thập, lưu trữ dữ liệu, năng lực và kỹ năng an ninh mạng còn thấp. Đặc biệt, các DN dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu, thương hiệu hàng hóa và dịch vụ quốc gia còn yếu, khu vực kinh tế phi chính thức lớn; cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động chưa hiệu quả; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, thiếu đổi mới sáng tạo và giám sát sử dụng kỹ thuật số, đội ngũ lao động thiếu hụt kỹ năng và năng lực trình độ cao, xếp hạng thấp về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu…

Vượt lên những khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đạt được những kết quả rõ nét. Theo số liệu thống kê, tính đến 31/10/2022, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam sở hữu website đạt trên 50%, trong đó 35% cập nhật thông tin trên website hàng ngày; 44% có bán hàng trên mạng xã hội; 25% tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; gần 90% có nhận đơn đặt hàng thông qua các hình thức thương mại điện tử như email, website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; 9% có website phiên bản di động/sở hữu ứng dụng di động có khả năng hỗ trợ/thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình mua sắm trực tuyến (Bộ Công Thương, 2022). Đã có khoảng trên 200.000 cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh tại Việt Nam đã và đang sử dụng phần mềm Kiotviet hoặc Sapo trong hoạt động quản lý bán hàng; trên 100.000 doanh nghiệp đã sử dụng tiếp thị số (digital marketing) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng.

Chi phí cho hoạt động này chiếm khoảng trên 20% tổng chi tiêu quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam. Các nền tảng tiếp thị số chủ yếu là: Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima… Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91% và tăng lên 14,26% năm 2022.

Kết quả khảo sát và xử lý số liệu về mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của doanh nghiệp do ThS. Phạm Văn Tuấn, Trường Đại học Mở Hà Nội cùng nhóm tác giả thực hiện năm 2023 cho thấy, giá trị trung bình về mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của các doanh nghiệp Việt Nam là 2,7/5 điểm (trên 6 nhóm chỉ số thành phần, 25 chỉ số phụ). Như vậy, đối chiếu với thang đo, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức 2 về ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh, nói cách khác là các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu số hoá (doanh nghiệp học tập). Xét theo loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp nhà nước (2,75/5 điểm so với 2,43/5 điểm). Xét theo quy mô lao động, các doanh nghiệp có quy mô từ 51-100 lao động có mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ cao nhất, tuy nhiên chênh lệch giữa các nhóm doanh nghiệp không lớn.

Theo lĩnh vực hoạt động, mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số xếp theo thứ tự giảm dần lần lượt là: doanh nghiệp thương mại (2,81/5 điểm); doanh nghiệp dịch vụ (2,76/5 điểm); doanh nghiệp công nghiệp (2,75/5 điểm); doanh nghiệp khác (2,55/5 điểm); doanh nghiệp nông nghiệp (2,40/5 điểm). Mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số tỷ lệ thuận với quy mô vốn của doanh nghiệp và tỷ trọng doanh thu từ kinh tế số/tổng doanh thu của doanh nghiệp…

Như vậy, kết quả khảo sát năm 2023 của nhóm tác giả cho thấy sự chuyển biến rõ nét về mức độ sẵn sàng sử dụng công nghệ số của các doanh nghiệp Việt Nam so với kết quả khảo sát trước đó (2019) của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST). Một trong những nguyên nhân của sự chuyển biến này là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực về nhận thức của các doanh nghiệp về kinh tế số. Xu hướng và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu khi tăng cường sử dụng công nghệ số trong các công đoạn của quá trình kinh doanh thời gian qua đã khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá ngày càng cao về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số (61,5% doanh nghiệp lựa chọn kinh tế số có vai trò quan trọng; 30,8% cho rằng kinh tế số có vai trò rất quan trọng), từ đó thúc đẩy trên 80% các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ số 4.0 vào chu trình kinh doanh trong thời gian tiếp theo.

Gia tăng mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đạt 20%. Để phát triển kinh tế số tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, phải đi đều “3 chân”, đó là: Quản trị số; Khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; Các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó ICT chiếm 20%, kinh tế số ngành chiếm 80%, được sinh ra do chuyển đổi số ngành đó.

Để gia tăng mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế số phát triển, theo ThS. Bùi Dương Hưng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược và chính sách phát triển kinh tế số. Trong đó, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như xây dựng các chính sách cụ thể cho từng địa phương, ngành nghề, lĩnh vực. Về phía các doanh nghiệp, trên cơ sở Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, cần xây dựng cho riêng mình mục tiêu, chiến lược và chương trình hành động cụ thể để đẩy nhanh lộ trình thực hiện chuyển đổi số.

Sau 13 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý căn bản thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn hiện nay cho thấy hành lang pháp lý về kinh tế số bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục, hoàn thiện. Do vậy, sau khi đã tiến hành rà soát toàn diện, lấy ý kiến rộng rãi, Quốc hội cần nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện và sớm đưa Dự thảo Luật Viễn thông mới (gồm 10 chương với 73 điều) vào thực hiện. Các văn bản luật và dưới luật khác về kinh tế số cũng cần được sửa đổi toàn diện, đảm bảo thống nhất với những nội dung trong Dự thảo Luật Viễn thông mới.

Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, giảm thiểu các nguy cơ về an ninh, an toàn mạng. Trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và xa hơn nữa, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam cần tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và năng lượng trên phạm vi rộng. Trước hết, chú trọng phát triển dịch vụ 5G, xây dựng thí điểm hệ thống đô thị thông minh tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Ngoài ra, theo ThS. Bùi Dương Hưng, cần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, bổ sung, tăng cường thêm các nội dung cập nhật về khoa học công nghệ, kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực về các nội dung liên quan đến kinh tế số.

Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế số phát triển. Chính vì vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cần chung tay trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân - khách hàng, từng bước xây dựng văn hóa trong nền kinh tế số.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)