Gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp từ nền tảng khoa học công nghệ

08:14:08 | 20/11/2023

Tỉnh Phú Thọ luôn xác định lấy doanh nghiệp (DN) là trung tâm đổi mới sáng tạo, nhân tố quan trọng tác động đến hiệu quả ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN. Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ xung quanh nội dung này.

Ông có thể cho biết những đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ thời gian qua?

Trong lĩnh vực KHCN, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1492/KH-UBND về triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4835/KH-UBND ngày 21/10/2021 hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3232/KH-UBND về phát triển nhãn hiệu chứng nhận  Chè Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025;...

Các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) đang được triển khai có sức lan tỏa, nâng cao nhận thức cho các hợp tác xã (HTX), DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao NSCL. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp các tổ chức, DN trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.

Ông đánh giá thế nào về tiềm lực KHCN của tỉnh và thực trạng đổi mới, ứng dụng KHCN của DN trên địa bàn Phú Thọ những năm gần đây?

Hoạt động đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bước đầu được chú trọng. Phú Thọ đã đầu tư một số dự án nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật KH&CN. Hàng năm, bình quân ngân sách nhà nước đầu tư 22,1 tỷ đồng chi đầu tư phát triển KH&CN. Sở KH&CN có 03 dự án được phân bổ kinh phí thực hiện với tổng vốn đầu tư là 35.555 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều DN chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị, xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn LAS, VILAS. Mặc dù ngân sách đầu tư cho KH&CN còn hạn chế nhưng các dự án đầu tư công đã góp phần nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN cũng như các đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công về KH&CN.

Đặc biệt, Sở KH&CN đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành được một số cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh như: Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống,…

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Sở đã hỗ trợ 37 lượt DN tham gia thực hiện dự án ứng dụng KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh vào sản xuất. Trong đó: 22 DN tham gia thực hiện dự án cấp nhà nước; 11 lượt DN tham gia thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ; 04 DN tham gia thực hiện chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống với tổng kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh là trên 90 tỷ đồng; hỗ trợ 53 DN thực hiện đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ là 18.370 triệu đồng.

Để đưa khoa học, công nghệ thành động lực phát triển, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa đường lối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới công nghệ, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi số và phát triển xanh.

Tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030. Có chính sách khuyến khích DN nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của DN. Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KH&CN, khởi nghiệp một cách toàn diện, đồng bộ.

Đồng thời, tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác phát triển, hội nhập quốc tế về KH&CN. Phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Xây dựng kế hoạch hợp tác, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên sâu cho cán bộ KH&CN; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc đào tạo cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN. Phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Tăng cường các nội dung hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh đủ sức giải quyết các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Công (Vietnam Business Forum)