Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

13:33:52 | 9/11/2023

Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng với sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm cao của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chất lượng GD&ĐT của tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.


Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, quy mô  giáo dục của tỉnh phát triển ổn định, giải quyết tốt nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn. Mạng lưới cơ sở giáo dục được rà soát, sắp xếp hợp lý, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư kịp thời, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy và học, đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ triển khai công tác giáo dục phổ thông 2018.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 90,4% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Mầm non đạt 82,9%, tiểu học đạt 98,2%, THCS đạt 94,3%; THPT đạt 73,4%. Đội ngũ nhà giáo được duy trì ổn định, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng cao. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Công tác đào tạo giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 được triển khai đúng tiến độ. Ngoài ra, Phú Thọ là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, cụ thể: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 97%, cao hơn trung bình cả nước. Năm 2022, Phú Thọ đứng thứ 8 toàn quốc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT; giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh có 574 lượt học sinh đoạt giải quốc gia, 13 lượt học sinh đoạt giải quốc tế và khu vực; năm 2022 có 50 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, có 01 học sinh đoạt giải quốc tế môn Sinh học. Năm 2023, có 56 thí sinh đoạt giải quốc gia, 19 giải Ba và 18 giải Khuyến khích; 02 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic khu vực (môn Tin học châu Á - Thái Bình Dương và môn Vật lý châu Âu); 01 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế môn Tin học. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Phú Thọ có học sinh đạt giải khu vực và quốc tế, là thành tích cao nhất từ trước đến nay.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT, góp phần tăng thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho toàn ngành. Trong giai đoạn 2020 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã thành lập mới 02 trường THPT tư thục. Đến nay, toàn tỉnh có 45 trường tư thục (THPT 13 trường, trong đó có 02 trường liên cấp; mầm non 32 trường), năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 689 lớp/nhóm trẻ ngoài công lập với 18.388 học sinh, chiếm tỷ lệ 4,8% so với tổng số học sinh mầm non, phổ thông toàn tỉnh, trong đó mầm non 7.264 trẻ, chiếm 8,3%; tiểu học 823 học sinh, chiếm 0,6%; THCS 669 học sinh, chiếm 0,7%; THPT 9.632 học sinh, chiếm 22,4%.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục tạo sự đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế. Cụ thể:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển GD&ĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về đổi mới GD&ĐT.

Đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục, thực hiện hiệu quả việc bảo đảm dân chủ, tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ sở giáo dục. Nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm.

Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở GD&ĐT: Tiếp tục tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh; tập trung tham mưu hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học theo Phương án phát triển GD&ĐT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng tự chủ trong các cơ sở GD&ĐT đảm bảo mục tiêu, kế hoạch theo Phương án phát triển giáo dục đào tạo thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; từng bước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Nguồn: Vietnam Business Forum