Vĩnh Phúc thu hút đầu tư chọn lọc và trọng điểm

09:23:30 | 8/7/2023

Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tỉnh ưu tiên thu hút các công ty đa và xuyên quốc gia có thương hiệu quốc tế và các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc những ngành, lĩnh vực trọng điểm; nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội, sử dụng trình độ công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở một số khu vực.

Chú trọng thu hút FDI chất lượng cao

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư trong thập niên thứ 3 của thế kỷ này theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực  mũi nhọn trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các đối tác đầu tư chiến lược, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp chế tạo công nghệ cao không những của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới.

Theo đó, lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; sử dụng năng lượng sạch: Công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh, công nghiệp bán dẫn; Công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện; Thiết bị điện tử, thiết bị điện dân dụng và Công nghiệp dược phẩm. Cùng với đó là các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp: Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy, điện tử; sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; Sản xuất vật liệu xây dựng (vật liệu mới, chất lượng cao, thân thiện môi trường).

Lĩnh vực dịch vụ: Ưu tiên thu hút đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh – thiền; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao (du lịch golf); du lịch hội nghị hội thảo; dịch vụ thương mại: Trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối. Thu hút nhà đầu tư liên doanh liên kết phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. Dịch vụ logistics: Phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại.

Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trang trại, ứng dụng công nghệ, chăn nuôi hữu cơ (lợn, bò, gia cầm). Trồng trọt: Lúa chất lượng cao, cây dược liệu, trái cây, rau củ quả an toàn. Lâm nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái; chế biến và thương mại lâm sản, trồng dược liệu. Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, áp dụng thực hành nuôi tốt, nuôi hữu cơ…

Về hạ tầng, ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư

Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tỉnh ưu tiên thu hút các công ty đa và xuyên quốc gia có thương hiệu quốc tế và các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc những ngành, lĩnh vực trọng điểm; nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội, sử dụng trình độ công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở một số khu vực.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc tăng cường đổi mới phát huy nội lực địa phương, cởi mở công tác hành chính, tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, địa phương đã chủ động tiếp cận mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN; hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn, tiếp và làm việc với các nhà đầu tư.

Có thể kể đến các hoạt động như: Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp và làm việc với Tập đoàn KITZ, TAMRON (Nhật Bản); Tập đoàn Sunny Group Co.,Ltd (Trung Quốc); các nhà đầu tư Ấn Độ, Hàn Quốc đến tìm hiểu các chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư; Tham dự các hội nghị, hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư các KCN tới các doanh nghiệp như: Hội thảo kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản; tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Aichi; Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản;…

Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, các đơn vị tư vấn nước ngoài để tuyên truyền về môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp, làm việc và đưa các doanh nghiệp Ấn Độ, Hàn Quốc, Cuba...; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Hà Nội cung cấp thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh; tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản,…

Trước đó, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các DN, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại; Tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản;… Đặc biệt, trong chương trình chuyến thăm cấp nhà nước đến Italia của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công hoạt động bên lề nhằm thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc tại Italia.

Tích cực và chủ động trong công tác điều hành, từ vị trí là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 địa phương có tăng trưởng âm trong quý I/2023, nhưng sang đến quý II/2023, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng dương đạt 3,76%. Riêng hoạt động thu hút đầu tư FDI, 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư FDI đạt 440,76 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ. Trong đó cấp mới cho 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 230,92 triệu USD và tăng vốn cho 25 lượt dự án với tổng vốn tăng 209,84 triệu USD. Đồng thời, đã thu hút đạt 11.645 tỷ đồng vốn DDI, tăng 44,9% so với cùng kỳ; Nhiều dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như:  Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD; nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni-Calsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD…

Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)