09:33:34 | 5/12/2023
Hoạt động tín dụng xanh tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc và thách thức trong quá trình triển khai thực hiện mô hình tăng trưởng mới này.
Ngân hàng tham gia cuộc đua tín dụng xanh
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai các gói tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án phát triển bền vững, thân thiện với môi trường,…
Theo báo cáo của NHNN, đến cuối năm 2022, các TCTD cho vay dự án xanh trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm: dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường.
Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỉ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Các TCTD tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỉ đồng với hơn 1,1 triệu món vay.
Trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lí chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế.
Một số NHTM tại Việt Nam có tỉ trọng tín dụng xanh cao, trong đó, đáng chú ý là Agribank với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch. Chương trình tín dụng phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại…mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thành công. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền đất nước: trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Vietinbank cho vay các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lựơng theo chương trình tín dụng môi trường EIB; chương trình tín dụng GCPF; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. Ngân hàng BIDV cũng cho vay các dự án thủy điện; các dự án khu du lịch sinh thái...
Trong khối ngân hàng thương mại, HDBank cũng gây ấn tượng với việc đi đầu trong việc triển khai tích cực chương trình tín dụng xanh, hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. HDBank đã dành khoản tài trợ lớn cho các dự án điện mặt trời thương mại và điện mặt trời áp mái tại Việt Nam với tổng quy mô dự án đạt 725 MWp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với mong muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Ngân hàng ACB cho vay theo dự án tài chính nông thôn RDF; Sản phẩm cho vay có bảo lãnh từ Quỹ tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. Ngân hàng Sacombank tham gia tài trợ các dự án cho vay nông thôn, lâm nghiệp; cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình; cho vay các dự án tái chế chất thải, năng lượng tái tạo. Nam A Bank ký kết hợp tác với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) nhằm cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng...
Với những thành tựu trên, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020 - 2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững.
Khó huy động vốn xanh vì thiếu thông tin và quy định pháp lý
Phát triển bền vững với nguồn tín dụng xanh giờ đây không phải là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Nhiều ngân hàng đã sẵn sàng nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lập kế hoạch, phương án ra sao để tiếp cận nguồn vốn xanh thuận lợi, mang lại hiệu quả cao? Đây là câu hỏi không dễ giải đáp bởi hiện nay, để vay được nguồn tín dụng xanh, các ngân hàng cho vay sẽ xem xét các yếu tố như đầu ra sản phẩm doanh nghiệp trên thị trường, định hướng phát triển, báo cáo tài chính... Nếu các yếu tố này đều minh bạch, rõ ràng, ngân hàng sẽ rất thuận lợi trong phân tích, xem xét dự án để đi đến quyết định cung tín dụng. Tuy nhiên, thực tế đa số doanh nghiệp, nhất là các DNNVV thường báo cáo tài chính không rõ ràng minh bạch khiến ngân hàng lo ngại rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Chí Công- Giám đốc, Trưởng bộ phận Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG), Tập đoàn Vinacapital, nguồn vốn xanh hiện nay khá dồi dào nhưng cơ hội đầu tư vào Việt Nam không nhiều. Bởi doanh nghiệp chưa cung cấp được nguồn thông tin, dữ liệu của mình về phát triển bền vững, ví dụ như công khai thông tin trên sản phẩm nhãn mác về nguồn nguyên liệu. Khi các quỹ đầu tư tiếp cận, họ không có căn cứ để biết doanh nghiệp hoạt động có phù hợp với các tiêu chí đầu tư xanh hay không. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét lại lĩnh vực kinh doanh của mình có tác động như thế nào đến phát triển bền vững, cả tích cực và tiêu cực, và với tác động tiêu cực thì sẽ có giải pháp gì. Từ đó có định hướng ghi chép, cập nhật thông tin, dữ liệu cần thiết, ví dụ như thông tin kiểm kê khí nhà kính. Doanh nghiệp nào làm tốt công tác kiểm kê, lưu trữ và công bố thông tin sẽ có lợi thế lớn hơn.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, công tác huy động vốn và cấp tín dụng của ngành ngân hàng cho các dự án kinh tế xanh cũng đang đối diện với nhiều vấn đề gây hạn chế và tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới là vướng mắc hàng đầu. Việc cấp tín dụng xanh cũng đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu. Đây là điều khó khăn đối với cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy, việc thiếu các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, còn có rủi ro từ chênh lệch kỳ hạn. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Đặc biệt, theo bà Tùng, việc hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp vẫn còn xảy ra nhiều, dẫn đến việc dự án bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bộ chỉ tiêu này được xây dựng hài hòa với các tiêu chuẩn phân loại xanh của châu Âu, IFC và các tổ chức tài chính quốc tế khác.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI