Cơ hội lớn cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh

09:05:47 | 13/12/2023

Không chỉ trở thành xu hướng ở các quốc gia trên thế giới, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này.

Nói đến cơ hội cho tương lai xanh, theo ông, khả năng thích ứng của DN Việt Nam như thế nào và VCCI có kế hoạch gì để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh và kinh doanh bền vững?

Cơ hội cho DN khi theo đuổi tăng trưởng xanh là vô cùng lớn. Đơn cử như kinh tế tuần hoàn (KTTH) – một hướng đi của kinh doanh “vị tự nhiên”, theo ước tính của Tổ chức Accenture Strategy, KTTH có thể tạo ra lợi ích 4,5 nghìn tỷ USD ở quy mô toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2030.

Tại Việt Nam, nhiều DN đã, đang “chuyển động” bắt kịp xu hướng này. Tập đoàn PAN, một DN điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có được nguồn thu không nhỏ từ việc tận dụng chế phẩm, phụ phẩm bằng việc hợp tác với đối tác để chế biến 7500 tấn đầu và vỏ tôm thành thức ăn chăn nuôi, từ đó thu được thêm khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Ngay cả những DN VVN, cũng đang tìm được hướng đi khi theo đuổi mô hình KTTH. Như Faslink, nhà cung ứng nguyên liệu thời trang nội địa, hiện có một bộ sưu tập các loại vải làm từ bã cà phê, sợi sen, sợi bạc hà, vỏ sò, trong năm đầu ra mắt, có 3 triệu chiếc áo polo và 200.000 áo sơ mi may bằng vải bã cà phê của họ được tiêu thụ. Hay Sokfarm đã tận dụng các vùng dừa năng suất trái suy giảm do nhiễm mặn ở Trà Vinh để khai thác mật hoa và chế biến sâu thành sản phẩm như thức uống hay nước tương. Doanh thu từ các cây dừa này có thể tăng 3-5 lần trước kia.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm mạnh mẽ hơn, VCCI, với hạt nhân là Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng DN thông qua việc phát triển mạng lưới báo chí về phát triển bền vững, tiếp tục tổ chức các nền tảng đối thoại về PTBV DN uy tín như Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF), phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, đối tác liên quan trong công tác xây dựng, kiến nghị chính sách về PTBV, KTTH, hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam; thúc đẩy lập và công bố báo cáo bền vững, thực hành ESG; tập trung tăng cường xây dựng và phát triển thành viên, mạng lưới đối tác có sự tham gia của các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, chia sẻ thực tiễn tốt về phát triển bền vững qua các nhóm công tác…

Xu hướng phát triển bền vững đang ngày càng được quan tâm, cùng với đó các chương trình biểu dương doanh nghiệp (DN) xanh, doanh nghiệp bền vững cũng được tổ chức ngày càng nhiều. Ông có thể chia sẻ điểm khác biệt giữa Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) của VCCI so với những chương trình bình chọn tương tự?

Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Chương trình CSI được VCCI chủ trì tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ, với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và đặc biệt có thêm sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương trong Ban chỉ đạo Chương trình từ năm nay. Đây là sự bảo chứng cho mức độ uy tín ngày càng nâng cao của Chương trình CSI, điều mà nhiều chương trình hay giải thưởng tương tự khác chưa làm được.

Căn cứ đánh giá mức độ PTBV của các DN tham gia Chương trình là Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI phối hợp với các chuyên gia đầu ngành dày công nghiên cứu từ năm 2014. Đây là bộ chỉ số đầu tiên tại Việt Nam hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững.

Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm, biểu dương các DN PTBV xuất sắc tại Việt Nam, mà thông qua đó, VCCI muốn thúc đẩy DN thực hiện kinh doanh bền vững nói chung, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thực hành quản trị DN bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng.

Khi DN thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp bền vững, trách nhiệm giải trình, lập và công bố báo cáo, chắc chắn DN sẽ có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư tốt hơn, khẳng định vị thế và uy tín trước khách hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan, cũng như thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây chính là điểm khác biệt thứ hai.

Xin nói thêm rằng Bộ chỉ số CSI được cập nhật, điều chỉnh hàng năm, chứ không phải là một Bộ chỉ số “đứng yên”. Điều này cũng có nghĩa rằng Bộ chỉ số CSI sẽ giúp DN có một cái nhìn tổng thể về những yếu tố cần quan tâm khi hoạch định chiến lược PTBV, hay được cập nhật những thay đổi mới trong hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DN, thay vì phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để tìm hiểu, tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Tôi có thể kể ra nhiều cái tên như PNJ, SASCO, Nestlé, Tập đoàn PAN, Bảo Việt, Traphaco, HEINEKEN Việt Nam, Vinamilk, v.v đã áp dụng Bộ chỉ số CSI trong nhiều năm và đều ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả của Bộ chỉ số.

Chưa dừng lại ở đó, CSI là một chương trình rất uy tín, minh bạch, công phu, được thực hiện dưới sự chỉ đạo của VCCI và các Bộ ngành, từ việc doanh nghiệp hoàn toàn nộp hồ sơ trực tuyến, Hội đồng đánh giá chấm điểm độc lập trên phần mềm, tham vấn các cơ quan có liên quan về tuân thủ pháp luật của các DN, sau đó trình Ban chỉ đạo để họp, thảo luận, biểu quyết và phê duyệt danh sách các doanh nghiệp bền vững sẽ được biểu dương tại Lễ công bố của từng năm. Đây chính là sự khác biệt của Chương trình CSI.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tác động mà Chương trình đã tạo ra với cộng đồng doanh nghiệp sau 7 năm triển khai?

Như tôi vừa chia sẻ, Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở một chương trình đánh giá và biểu dương doanh nghiệp. Hơn hết, CSI hướng đến thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp "nghĩ khác, làm khác". Doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm. Để tồn tại và trụ vững trên một sân chơi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp bài bản, khoa học, minh bạch thông tin để có thể giữ chân khách hàng và thu hút nhà đầu tư tốt hơn.

Do đó, trong suốt những năm qua, khi triển khai Chương trình CSI, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp. Điều này đã góp phần vào chuyển đổi tư duy kinh doanh của cộng đồng DN, và tăng cường năng lực thực hiện quản trị doanh nghiệp – một trong những điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp nước nhà.

Qua 7 mùa CSI, chúng tôi nhận thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình ngày càng đông đảo hơn. Gần đây nhất, năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu Top 10 DN Bền vững Việt Nam lần lượt là 75% và 25%; trong top 100 thì tỷ lệ lần lượt là 66% và 34%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.

Năm 2019, VBCSD-VCCI đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá quá trình PTBV của doanh nghiệp tham dự áp dụng Bộ chỉ số CSI. Kết quả cho thấy sự tiến bộ trong quá trình PTBV của doanh nghiệp trước và sau khi tham gia Chương trình CSI, và sự vượt trội của nhóm doanh nghiệp có tham gia Chương trình so với các DN chưa quan tâm ở những khía cạnh chính của PTBV như: quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin, lao động, an sinh xã hội, dân chủ tại nơi làm việc, đóng góp và phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Không những thế, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều chia sẻ từ doanh nghiệp rằng trong giai đoạn bị đại dịch COVID-19 “tấn công” vừa qua, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược PTBV nói chung và áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Các doanh nghiệp này có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp làm phát triển bền vững. Phát triển bền vững chắc chắn không phải là con đường dễ đi, nhưng sẽ mang lại nhiều "trái ngọt" xứng đáng với nỗ lực của doanh nghiệp.  

Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang (Vietnam Business Forum)