Chiều ngày 7/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên (VCCI miền Trung- Tây Nguyên) tổ chức thảo luận với các doanh nghiệp trên địa bàn. Buổi thảo luận nhằm đánh giá mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các gói hỗ trợ, chính sách trong giai đoạn phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh,...

Tham gia buổi thảo luận, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận được các gói hỗ trợ. Cụ thể, thông tin đến VCCI miền Trung – Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp cho biết còn gặp sự “đánh đố” từ các thủ tục hành chính phức tạp, thông tin các gói hỗ trợ vẫn còn thiếu,... Cùng với đó là yếu tố khác làm doanh nghiệp khó có thể tiếp cận với gói hỗ trợ.


Thảo luận hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp giữa VCCI miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng chiều ngày 7/12.

“Như việc chứng minh doanh nghiệp có khả năng phục hồi là việc làm rất cảm tính, bởi rất khó dự báo được tình hình thế giới, cũng như trong nước như hiện nay; Giá dầu có thể tăng, giảm trong 1-2 tuần, đồng đô la Mỹ có lúc lên xuống nên chứng minh doanh nghiệp có khả năng phục hồi là việc rất khó”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hương Quế cho rằng rào cản pháp lý hiện nay vẫn là một yếu tố gây trở ngại dù Chính phủ, các ngành đã có những động thái tích cực. Theo vị này, các chính sách hỗ trợ nhìn chung cũng đã giúp doanh nghiệp lấy lại tinh thần để tiếp tục phát triển, đó là những mảng sáng, tích cực cần thừa nhận để phát huy.

Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, ông Sơn đề xuất cần có chính sách giảm lãi suất cho đồng đô la Mỹ. Trong đó, khi ngân hàng thực hiện cho vay phải xác định được mục đích vay của doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho rằng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ

“Nếu vay đô la Mỹ để phục vụ sản xuất và xuất khẩu thì chỉ nên ở mức 1%/năm, hiện nay hầu hết các khoản vay đô la Mỹ tại ngân hàng đang có mức lãi suất 4,5%/năm. Nếu doanh nghiệp bán lại USD cho ngân hàng với giá mua vào thì sẽ bị thiệt hại rất nhiều”, ông Nguyễn Xuân Sơn nói.

Tương tự, ông Phan Phước Lộc - Công ty Cổ phần Đại Phước Long Cement, Chủ tịch hội doanh nghiệp quận Cẩm Lệ thông tin các công trình đầu tư công đang trong quá trình “cần vốn”. Theo vị này, việc giải ngân chậm sẽ mang lại hậu quả đan xen giữa các doanh nghiệp với nhau, nhưng nhìn chung đều gặp khó khăn.

“Tôi kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng khi dự án làm xong rồi, trình hồ sơ cho các ban ngành lại không duyệt hồ sơ, khiến vốn ứ đọng. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực là thiếu vốn, khi doanh nghiệp không có nguồn kinh phí để trả nợ vay thì khả năng “phá sản” là rất cao. Đây là bài toán mà các cơ quan nhà nước vẫn chưa giải quyết được. Về vấn đề này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết?”, ông Lộc nói.


Ông Lê Văn Lương - Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngồi giữa) cho rằng thời gian tới doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn

Theo ông Lê Văn Lương - Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tình hình trong năm 2023 dự kiến 2024 các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với xung đột chính trị trên thế giới. Thông tin từ vị này, Chính phủ đã ban hành số Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 và đã đề xuất một số giải pháp. Tuy nhiên, để đánh giá các giải pháp đã ban hành và dự kiến trong thời gian tới kiến nghị một số giải pháp mới thì vẫn cần thêm nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. Từ đó có thể chỉnh sửa các giải pháp để tham vấn với Chính phủ trong thời gian tới.

Theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn ưu đãi hiện nay đang là một trong những kế hoạch ưu tiên nhưng thực tế công tác triển khai lại rất kém. Các đơn vị cho rằng chủ trương là “đúng và trúng” nhưng không đi vào cuộc sống.

Vì vậy, doanh nghiệp muốn chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi phải có quy định cụ thể và đơn giản thủ tục. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp tháo gỡ nguồn vốn khi doanh nghiệp vay từ ngân hàng.

Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ thì chính sách hỗ trợ cần phải được phổ biến rộng khắp để họ dễ dàng tiếp cận. Các doanh nghiệp cũng đề xuất VCCI, chính quyền có thêm những hoạt động đối thoại để tìm hướng giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp,...

Nguồn:  Diễn đàn Doanh nghiệp