09:56:34 | 3/1/2024
Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng, rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” không chỉ góp phần “đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập” mà còn cả “bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ sớm. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, sự quan tâm này tiếp tục được nâng lên: từ năm 2004, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/09/2004); Năm 2011, lần đầu tiên trong lịch sử có một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011); Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp được hiến định trong Hiến pháp năm 2013;… Quan điểm, chủ trương và sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã tạo niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, ngày 10/10/2023, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp được tiếp thêm động lực khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế cho Nghị quyết số 09 - NQ/TW. Nghị quyết 41 ra đời chính là thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong định hướng xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển năm 2045.
Như vậy, theo Phó Chủ tịch VCCI, vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân đã được nâng tầm và mở rộng hơn nhiều so với Nghị quyết 09. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
“Để thực hiện được vai trò này, đội ngũ doanh nhân cần phải phát triển lớn mạnh. Nghị quyết 41 đưa ra mục tiêu tổng quát là: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Nghị quyết 41 cũng đưa ra các mục tiêu cho từng giai đoạn đến năm 2030 và 2045, gắn với các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Sau hơn 37 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Trong giai đoạn 2011-2022, tổng số có 1.300.659 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 69,11% tổng số DN thành lập kể từ khi có luật doanh nghiệp đến nay. Hiện có trên 900 nghìn doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, kinh tế Việt Nam hiện đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế.
GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đội ngũ doanh nhân, cùng các doanh nghiệp tiên phong đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt, tạo đòn bẩy và kiến tạo những thay đổi, phát triển trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam tự chủ, hướng tới phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng những tập đoàn lớn mạnh
Vừa qua Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để phát triển kinh tế trong đó có chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế nói chung và tập đoàn kinh tế tư nhân nói riêng. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, xây dựng được các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực cạnh tranh quốc tế, làm chủ một số chuỗi giá trị trong nước và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, theo TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp- VCCI, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân, đặt kinh tế tư nhân đúng với vai trò to lớn trong phát triển kinh tế đất nước. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của tập đoàn kinh tế như: Quy định rõ bản chất pháp lý và mô hình tập đoàn kinh tế, nghiên cứu hoàn thiện cách đặt tên cho tập đoàn kinh tế tư nhân, hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn cho các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, theo TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cần hỗ trợ việc mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và thị trường đầu ra, kể cả việc huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng.
Đặc biệt, theo TS.Phạm Đình Đoàn, cần ưu đãi cho các dự án công nghiệp trọng điểm và quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và doanh nghiệp tiềm năng, ban hành các chính sách đặc biệt trong phát triển công nghiệp trọng điểm, phát triển bền vững, tranh thủ các tiềm lực của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng nhanh và các tiêu chí xanh, bền vững đang là xu thế mạnh mẽ.
Ngoài ra, chú trọng phát triển mạnh Chính phủ số, đẩy mạnh số hoá để tính công khai minh bạch của nền kinh tế tốt hơn, giảm được các chi phí không chính thức, chi phí "gầm bàn". Hỗ trợ các tập đoàn kinh tế trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; Hỗ trợ cung cấp các thông tin về chính sách, về thị trường và nguồn lực kịp thời hơn, minh bạch hơn, rõ ràng hơn, có những số liệu thật hơn, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường trong nước và thế giới để doanh nghiệp phát triển thị trường và để các doanh nghiệp tiếp cận hoạch định chiến lược cũng như quản lý rủi ro…
Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những tập đoàn kinh tế lớn, với doanh nhân có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu tới năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước giàu, nước phát triển, trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng nhân 100 ngày lập nước.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI