Quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

09:27:09 | 15/1/2024

Xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Đây được coi là những nghị quyết quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

02 nghị quyết quan trọng được ban hành ngay từ đầu năm

Ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, xác định rõ nhiều chỉ tiêu cụ thể căn cứ theo tình hình thực tế và những dự báo khoa học. Ngay sau đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 cũng được ban hành, cho thấy những quyết tâm lớn trong việc phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm bản lề 2024.

Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%,...

Nghị quyết 02/NQ-CP cũng đề ra mục tiêu năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023. Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc. Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc,...

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP đặt ra yêu cầu với các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".

Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục,…

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới,...

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 02/NQ-CP chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm như: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VCCI kịp thời nắm bắt, phối hợp giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, trước những khó khăn của doanh nghiệp, năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch… đã phát huy tác dụng. Kinh tế năm 2023 duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được cải thiện.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính sách, nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả, Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP được ban hành được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Điều này cũng cho thấy sự kịp thời và nỗ lực liên tục của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Các giải pháp Nghị quyết hướng đến đúng những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Bởi cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ nhiều nhất, cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)