Việt Nam thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

16:13:55 | 25/1/2024

Ngày 15/1/2024, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam.  


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam ông Marco Della Seta cùng Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Trưởng Văn phòng Thương mại Italia tại Việt Nam…Về phía Đại sứ quán Italia tại Việt Nam có sự tham dự của Tùy viên nông nghiệp, thương mại, giám đốc điều hành của ERAI Asia và các phòng, ban. Về các tổ chức quốc tế có sự tham gia của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt nam. Hội thảo cũng được truyền trực tuyến đến 200 đầu cầu trong nước và quốc tế.


Đại sứ Italia tại Việt Nam Marco Della Seta phát biểu khai mạc Hội thảo

Nội dung của Hội thảo có báo cáo quan trọng về “Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam” được thực hiện bởi Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, Hiệp hội sản xuất kinh doanh máy nông nghiệp Italia, phối hợp với ERAI Asia. Theo báo báo, mức độ cơ giới hóa tại một số khâu trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70 - 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật); chăn nuôi đạt từ 55 - 90% (thức ăn, nước)... Tuy nhiên, việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại như chế tạo máy, thiết bị phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng. 


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp, mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ vào khoảng 30%. Bởi, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc lớn vào địa hình, điều kiện canh tác. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là cần phải cơ giới hóa đồng bộ. Ông Tuấn cho rằng, hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… Các nhà sản xuất trong nước chiếm thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 có thể nói là một năm thành công đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể, xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,83%, đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại đó là, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ cơ giới hóa trong các lĩnh vực còn thấp… là do trình độ khoa học và công nghệ còn tương đối thấp. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Do vậy, Việt Nam mong muốn và đặt mục tiêu sản xuất được các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng tốt hơn, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và tạo vị thế xây dựng thương hiệu quốc gia nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp…

Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Việt Nam cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét để đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với quốc tế, trong đó vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp…. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Hội thảo cũng đã thảo luận, chia sẽ những khó khăn, hạn chế của cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam. Trong đó mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia của Italia cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển cơ giới hóa tại Việt Nam. Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu có độ phủ sóng còn hạn chế. Italia hiện giữ vị trí trong số 20 nhà cung cấp hàng đầu máy móc nông nghiệp cho Việt Nam…. ông Fabio De Cillis nói, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã đặt lĩnh vực này là ưu tiên hàng đầu, thực hiện nhiều chương trình và ưu đãi khác nhau để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Đại diện phía Italia  mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Italia, đặc biệt phía Italia có khả năng cung cấp các công nghệ tiên tiến, giải pháp phù hợp và máy nông nghiệp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đóng góp vào sự phát triển của ngành tại Việt Nam. 

Nguồn: Vietnam Business Forum