Ngành ngân hàng: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả

09:26:07 | 30/1/2024

Bước sang năm 2024, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tháng 12/2023

Vượt khó

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị,… Lạm phát thế giới đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng Đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu,… là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm,.... Thị trường bất động sản, trái phiếu DN mặc dù có sự cải thiện nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, theo Thống đốc, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng.

Tất cả những yếu tố nêu trên tạo thách thức vô cùng lớn đối với việc điều hành của Chính phủ, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa cao, tăng trưởng kinh tế nhiều năm dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, về cơ bản ngành Ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra. Theo đó, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 - 3,4%; hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và NHNN đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/12/2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của DN.

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng khả quan. Năm 2023, số lượng giao dịch TTKDTM tăng từ 50,3 - 99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán. Ngành Ngân hàng cũng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS); nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hóa 100%, góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

5 mục tiêu thực hiện

Bước sang năm 2024, NHNN dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, NHNN đã đặt ra 5 mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho hoạt động của NHNN. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4 - 4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu khoảng 6 - 6,5%.

Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các TCTD yếu kém) dưới 3%.

Đặc biệt, NHNN sẽ tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.


Kết thúc năm 2023, về cơ bản ngành Ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank 

Để hỗ trợ cho tăng trưởng, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng, trong đó mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khóa, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ DN duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các TCTD để khuyến khích, hỗ trợ DN nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. 
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho NHTM thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù. Do điều kiện khó khăn kéo dài, mang tính dây chuyền cho nên đến nay, đa số các DN đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều DN có nợ nhóm 1 khả năng đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ DN. 

Ông Ramachandran As,Tổng Giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam 

Sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam năm 2023. Việt Nam được vinh danh là một trong ba quốc gia tốt nhất thế giới tại Báo cáo đánh giá Ngân hàng Trung ương Toàn cầu. Hướng tới năm 2024, Nhóm Công tác ngân hàng 
nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ và NHNN tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) khuyến nghị một số chính sách chính cần tập trung trong năm 2024. Cụ thể, cân bằng lạm phát và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục thận trọng kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Thời gian tới, tăng cường hệ thống thanh toán hiệu quả, thúc đẩy tài chính toàn diện mạnh mẽ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung, với trọng tâm là việc áp dụng chuyển đổi số tạo điều kiện thúc đẩy các dịch vụ tài chính an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn cho mọi tầng lớp dân cư. Từ đó phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Vấn đề cơ chế chính sách, pháp lý tiếp tục hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt là việc ban hành Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các văn bản pháp lý liên quan nhằm tăng cường nền tảng pháp lý cho ngành Ngân hàng Việt Nam.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về Chương trình CĐS quốc gia, NHNN đã ban hành nhiều chính sách chương trình hành động và đang tích cực đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS quốc gia. Bản thân các TCTD cũng ý thức được tầm quan trọng của CĐS, đến nay, theo thống kê đã có trên 96% NHTM đã và đang xây dựng Chiến lược CĐS.
Tuy nhiên, để CĐS ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng,…); đẩy nhanh việc ban hành các quy định hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)