09:55:43 | 17/3/2024
Từ một tỉnh thuần nông xuất phát điểm thấp, Hậu Giang đã tạo được sự bứt phá ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Thành quả hôm nay là kết quả của sự đồng lòng, bền bỉ phấn đấu của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm đổi mới và hành động quyết liệt, chính quyền tỉnh luôn nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng DN, hiện thực hóa khát vọng đưa Hậu Giang vươn xa. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xung quanh nội dung này.
Ông có thể điểm lại những thành tựu nổi bật của tỉnh Hậu Giang trên chặng đường 20 năm thành lập và phát triển (01/01/2004 - 01/01/2024)?
Năm 2004 khi mới được thành lập, Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh đã đồng lòng, chung sức, phát huy truyền thống, kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được qua các nhiệm kỳ, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng, hành động quyết liệt, đặc biệt đang bước vào thời kỳ vàng trong phát triển kinh tế xã hội, Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, Hậu Giang nổi lên như là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung. Cụ thể: GRDP năm 2023 đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm 2022, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và xếp thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, tăng bình quân 15%/năm. Quy mô kinh tế được cải thiện rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị được đầu tư mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng (giảm khu vực I, tăng khu vực II, III). Sản xuất công nghiệp phát triển, trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh, với mức tăng trưởng 31,09%. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 40/51 xã. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy; giáo dục - đào tạo, mạng lưới y tế được củng cố và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách đối với người có công được quan tâm thực hiện đầy đủ; đến nay, toàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế tuy tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người, quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hoá còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với trong vùng và cả nước; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông và công nghiệp, liên kết vùng còn hạn chế. Nằm trong vùng ĐBSCL, Hậu Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó Hậu Giang cần phải nỗ lực hơn nữa, tận dụng thời cơ, khắc phục thách thức, biến tiềm lực thành nguồn lực, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng.
Ông có thể cho biết về tầm nhìn và nhiệm vụ trọng tâm phát triển Hậu Giang những năm tới?
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ định hướng phát triển và những nhiệm vụ cần triển khai: Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh được phân thành 04 vùng và 02 hành lang kinh tế. Tỉnh sẽ thực hiện 5 đột phá chiến lược gồm:
Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.
Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, TP.Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Năm nhiệm vụ trọng tâm (Năm Trọng tâm): Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhằm đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hóa các dự án cam kết đầu tư. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ Khu công nghiệp Đông Phú 2 và Khu công nghiệp Sông Hậu 2 đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Khu công nghiệp quốc gia. Đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95%. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử; chuyển đổi số; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bên phải) trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang
Để góp phần tạo nên thành quả trên, tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những chia sẻ của ông về vấn đề này?
Trong những năm qua, tỉnh luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác này, tỉnh đã đưa nội dung CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết, tỉnh đã thực hiện nhiều nội dung tháo gỡ nút thắt về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với mục tiêu cải cách phải mang giá trị thực chất. Theo đó, giải pháp chủ yếu là:
Thứ nhất, điều chỉnh thể chế theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục và có chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tổ chức, DN đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công thiết yếu (nhất là các dịch vụ công theo Đề án 06 của Chính phủ và các dịch vụ công thiết yếu có tần suất phát sinh hồ sơ nhiều theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, DN tham gia thực hiện TTHC, nhằm tăng mức độ hài lòng đối với cơ quan hành chính khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục.
“Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng hội tụ các điều kiện thế mạnh, tiềm năng; nằm ở khu vực trung tâm, giáp ranh với TP.Cần Thơ, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam bộ. Vì thế, tỉnh cần tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền sông nước; lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của ĐBSCL và đất nước”. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng |
Thứ ba, tiếp tục áp dụng đầy đủ, linh hoạt các chính sách trong kêu gọi đầu tư, thực hiện cải cách, tinh gọn triệt để các quy định, quy trình, các bước thực hiện TTHC liên quan đến người dân, DN, kể cả TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện hiệu quả việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ các yêu cầu không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và DN; từng bước tháo gỡ những rào cản, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân và DN.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện rà soát quy trình TTHC theo hướng đơn giản, tinh gọn trên môi trường điện tử, để người dân, DN có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi (theo hình thức phi địa giới hành chính). Công khai hóa các quy trình và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết nối với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò theo dõi, giám sát của Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các cấp trong giải quyết TTHC, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI