Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2024

14:43:45 | 24/3/2024

Sáng 24/3, tại thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang.

Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Tiền Giang và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, Tiền Giang công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; công bố danh mục dự án ưu tiên, mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xác định rõ động lực mới, quan trọng để phát triển Tiền Giang

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, các quan điểm, nhiệm vụ của công tác quy hoạch, tình hình xây dựng quy hoạch của cả nước. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch là bước quan trọng, phải triển khai thực hiện tốt theo quy hoạch, bảo đảm tính ổn định, hạn chế tối đa việc điều chỉnh không cần thiết. “Triển khai quy hoạch tốt sẽ là kim chỉ nam để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện”.

Nhận định về tiềm năng, thế mạnh của Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý thuận lợi với các trục giao thông quan trọng chạy qua, đặc biệt là đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Trung Lương - Mỹ Thuận và trong tương lai có tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tiền Giang có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Những năm qua, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị; cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã từng bước phát huy, khai thác được tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu về xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách và xây dựng nông thôn mới đều tăng qua từng năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phấn đấu đưa Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

“Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Đây được xem là công cụ đặc biệt trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính và là tiền đề phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai. Điều này cũng chính là hiện thực hóa khát vọng, tiềm năng phát triển của địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.

Hai tâm - Một dải - Bốn hành lang kinh tế - Ba đột phá chiến lược

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển gồm: Hai tâm - Một dãi - Bốn hành lang kinh tế - Ba đột phá chiến lược.

Hai tâm, đó là, trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước.

Một dải, đó là, dải ven sông Tiền quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch.

Bốn hành lang kinh tế, đó là, hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ba đột phá chiến lược, đó là, tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dung và đãi ngộ nhân tài.

Thời gian tới, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh như:

Trong nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản.

Trong công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác vị trí, tài nguyên vốn có, tiềm năng lao động của vùng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Trong thương mại và dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên; hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia nối kết với các trung tâm du lịch trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiểu vùng sông Mêkông; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm quy mô lớn, hệ thống các chợ đầu mối về nông - thuỷ sản.

Để phát triển theo Quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ tỉnh Tiền Giang cần phải tập trung vào “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”. Trong đó:

Trọng tâm là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng.

Hai tăng cường gồm: Tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nhân lực; tăng cường kết nối vùng, khu vực và quốc tế, thông qua kết nối giao thông, kết nối chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng..

Ba đẩy mạnh đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, toàn diện, đồng bộ và bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phục vụ chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,…

Hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Tiền Giang thực hiện dự án, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh trên tinh thần “ba cùng” -  “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm đảm bảo yêu cầu, chất lượng các nội dung Quy hoạch, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi nội dung Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện. Khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh. Rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,... tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất để thu hút đầu tư.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, trao chủ trương nghiên cứu cho 10 dự án. Tỉnh cũng giới thiệu danh mục 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 thuộc các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án), với tổng vốn đầu tư dự kiến là 53.900 tỷ đồng.

Ngô San (Vietnam Business Forum)