Tuân thủ pháp luật tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu tại Petrolimex

14:22:51 | 29/3/2024

Xăng dầu là một loại hàng hóa đặc biệt quan trọng, được ví là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân. Biến động giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề và người dân trong xã hội… Hiện nay, Việt Nam có 33 doanh nghiệp đầu mối (không bao gồm 04 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay) và hơn 330 thương nhân phân phối cùng tham gia cung cấp xăng dầu cho gần 17.000 cửa hàng xăng dầu (CHXD) và các hộ tiêu thụ xăng dầu thuộc tất cả các thành phần kinh tế, xã hội. 

Để thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp phải có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ và các yêu cầu quản lý ngày càng cao và khắt khe hơn để đáp ứng các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, không ít các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn “quên” chưa thực hiện đầy đủ các quy định đó dẫn đến nhiều trường hợp bị các cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt, thậm trí là thu hồi giấy phép kinh doanh trong thời gian qua.

Ngày 17/11/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 nhằm tiếp tục hướng tới đảm bảo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn), trong suốt gần 70 năm xây dựng và phát triển luôn ý thức một cách sâu sắc rằng việc tuân thủ pháp luật là cơ sở quan trọng từ đó giúp Tập đoàn đi đúng hướng và trên nền tảng đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, hiệu quả cho Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vì vậy Petrolimex luôn là doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai các quy định mới của Nhà nước.

Thứ nhất, Tiếp thu những giá trị lịch sử để lại cùng với việc nghiêm túc thực hiện các quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia các giai đoạn. Với sự đầu tư quy mô, bài bản và đúng đắn theo đúng quy hoạch quốc gia, hệ thống cơ sở vật chất của Petrolimex đã và đang đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật đối với một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nội địa Petrolimex có 48 Công ty TNHH một thành viên kinh doanh xăng dầu tại 63 tỉnh, thành phố; hệ thống phân phối khoảng hơn 4.800 cửa hàng (trực tiếp sở hữu gần 2.700 CHXD); hệ thống kho cảng hiện đại với sức chứa trên 2.200.000 m3 được phân bổ dọc theo chiều dài đất nước; hơn 570 km đường ống vận chuyển xăng dầu; đội tàu vận tải viễn dương có tổng trọng tải trên 510.000DWT, gần 1.000 xe xitec vận tải bộ; 17 phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu; hệ thống công nghệ, thiết bị phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hiện đại… Với uy tín thương hiệu, chất lượng dịch vụ và chính sách kinh doanh của mình, tại thị trường nội địa, thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 43-45%.


Cửa hàng xăng dầu Petrolimex nâng cấp nhận diện thương hiệu

Thứ hai, tiên phong và là doanh nghiệp đầu tiên triển khai theo quy định Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ; Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 5090/TCT-DNL ngày 13/11/2023 của Tổng Cục thuế quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Trước đó, thực hiện Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, ngay từ ngày 01/4/2018 Petrolimex đã tiên phong triển khai hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy thông thường trên toàn hệ thống và để thực hiện theo quy định của Nghị định 123, đến 01/7/2023 Petrolimex đã tổ chức lễ golive giải pháp phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống gần 2.700 CHXD trên toàn quốc. Theo thống kê, mỗi một CHXD của Petrolimex sẽ có khoảng 1.000 giao dịch phát sinh phải phát hành hóa đơn mỗi ngày, nếu không triển khai HĐĐT thì đây sẽ là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp khi phải hao tốn chi phí thời gian, nhân công, giấy tờ, bảo quản, lưu trữ… Do vậy, khi Petrolimex triển khai phát hành HĐĐT đã phù hợp với xu thế tất yếu, trực tiếp giảm bớt những gánh nặng về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, tiết giảm chi phí kinh doanh. Việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng đã tạo ra sự minh bạch, góp phần xây dựng một thị trường xăng dầu lành mạnh, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao. 

Petrolimex sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tra cứu thông tin và kiểm soát HĐĐT, đồng thời cũng sẵn sàng chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm triển khai HĐĐT cho các đối tác, bạn hàng có mong muốn hợp tác với Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Thứ ba, Nghiêm túc triển khai Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Chính phủ về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Về nội dung này, ngay từ ngày 01/01/2018 Petrolimex đã tiên phong triển khai kinh doanh mặt hàng Điêzen Euro 5 (Dầu DO-V) và đến ngày 01/01/2022 đã chính thức kinh doanh sản phẩm xăng RON 95 tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Xăng RON 95-V). Hiện tại Petrolimex có 1.070 cửa hàng kinh doanh doanh Dầu DO-V trải dài trên toàn hệ thống và 185 cửa hàng kinh doanh Xăng RON 95-V. Đây là những mặt hàng có phẩm cấp nhiên liệu cao nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cung cấp nhiên liệu cho các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ 01/01/2022. Trong số 33 doanh nghiệp đầu mối hiện nay, Petrolimex chiếm tỷ lệ trọng yếu đối với hai mặt hàng Dầu DO-V và Xăng RON 95-V (do cả 2 mặt hàng đều phải nhập khẩu 100%), vì vậy đây là lợi thế rất lớn của Petrolimex trong việc tiếp cận và cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu về nhiên liệu chất lượng cao đảm bảo hiệu quả và an toàn cho động cơ phương tiện của mình.

Tiên phong triển khai kinh doanh Dầu DO-V và Xăng RON 95-V không chỉ là việc nghiêm túc tuân thủ Quyết định 49 của Chính phủ nhằm hạn chế khí phát thải của động cơ, phương tiện giao thông gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến môi trường sống… mà cũng chính là từng bước dịch chuyển chiến lược sản phẩm hướng đến mục tiêu đưa Petrolimex “Trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện” góp phần quan trọng thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 là đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ tư, Tuân thủ tuyệt đối Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Từ 01/12/2015, Petrolimex đã triển khai kinh doanh xăng E5 RON92 trên toàn quốc và đến ngày 01/01/2018 toàn bộ xăng khoáng RON92 đã được Petrolimex thay thế bằng xăng E5 RON92. Hiện nay, Petrolimex có 08 điểm kho phối trộn xăng E5 và 2.235 cửa hàng kinh doanh xăng E5 (chưa tính số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối). Xăng sinh học E5 có những đặc tính lý hoá riêng so với xăng khoáng thông thường, do vậy để triển khai kinh doanh xăng E5, Petrolimex đã nghiên cứu và chủ động nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung quy trình vận hành đối với tất cả các khâu từ kho tồn chứa, hệ thống phối trộn, phương tiện vận tải đường thuỷ, đường bộ, vận tải qua đường ống và cửa hàng xăng dầu… đây không phải là điều dễ dàng triển khai đối với bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào. Thực tế chứng minh, có rất ít doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng E5, phần lớn các doanh nghiệp bỏ qua mặt hàng này (tham khảo từ số liệu xuất bán xăng khoáng RON92 của 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất – nguyên liệu đầu vào để pha chế E5), điều đó cho thấy tính tuân thủ Quyết định 53 của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa cao, chưa bình đẳng trong việc triển khai các quy định của pháp luật nhưng chính vì thế cũng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Petrolimex đối với mặt hàng E5.

Thứ năm, Tiên phong triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Từ ngày 19/11/2021, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã bắt đầu được triển khai tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên phạm vi cả nước, đây là bước đi chiến lược trong mục tiêu hướng đến xây dựng Petrolimex trở thành doanh nghiệp số hàng đầu trên nền tảng Petrolimex Digital thông minh, an toàn, minh bạch và năng động. Tại hệ thống CHXD Petrolimex, khách hàng có thể sử dụng thẻ quốc tế (visa, master), thẻ nội địa thuộc hệ thống Napas và các ví điện tử xác thực qua QR code trong liên minh VNPay. Hiện tại, đã có 5.323 máy POS được trang bị, cài đặt trên toàn hệ thống với tỷ lệ TTKDTM đạt khoảng 15% tổng giá trị giao dịch tại CHXD. Ngoài ra, Petrolimex đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ bổ sung trong tương lai gần các giải pháp TTKDTM bằng công nghệ mới như camera thông minh, RFID ...  

Tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Các doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và rủi ro sẽ đi cùng doanh nghiệp ngày càng lớn, do đó doanh nghiệp nào am hiểu và tuân thủ pháp luật sẽ tiến xa, hoạt động kinh doanh được đảm bảo thuận lợi, tạo tiền đề phát triển bền vững. Tại Petrolimex, tính tuân thủ thượng tôn pháp luật luôn được đề cao và thấm nhuần từ tập thể ban lãnh đạo Tập đoàn đến mỗi người lao động thông qua từng quyết định, chính sách, từng công việc cụ thể, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Petrolimex, chính điều đó đã luôn giúp Petrolimex tạo ra lợi thế cạnh tranh, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và là một trong những con đường quan trọng dẫn đến thành công và sự phát triển bền vững như ngày hôm nay.

Trần Quang Vinh
Bí thư ĐTN Petrolimex – Phó trưởng Ban PR

Nguồn: Vietnam Business Forum