08:58:23 | 5/1/2012
Vượt kỷ lục trong năm 2011 với hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch kỳ vọng bứt phá trong năm 2012 với hàng loạt thay đổi trong phương thức làm du lịch.
Thay đổi quan điểm du lịch cộng đồng
Năm 2011, ngành du lịch Việt Nam thắng lớn với lượng khách quốc tế hơn 6 triệu lượt, tăng 19%, vượt xa mục tiêu đề ra (5,3 - 5,5 triệu lượt). Du lịch đã trở thành điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn với khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ngoài nguyên nhân chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao, theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên nhân khác dẫn đến thành công cho ngành du lịch năm 2011 là có sự đột phá trong cách tổ chức, thông qua việc liên kết 8 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giúp lượng khách đến các tỉnh này tăng 18%, khách quốc tế tăng 22% so với năm 2010.
Để phát huy những thành tựu đạt được, năm 2012, ngành du lịch sẽ tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch Di sản” với một chuỗi hoạt động được tổ chức xuyên suốt năm. Với hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội lớn trong cả nước diễn ra trong dịp này, năm 2012 được kỳ vọng sẽ là năm “thăng hoa” của du lịch nội địa và tăng trưởng khách quốc tế.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý của năm 2012, theo bà Điệp, là Chiến lược Phát triển du lịch năm 2020, tầm nhìn năm 2030 sẽ được ban hành, các quy hoạch tổng thể sẽ được phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngành du lịch sẽ triển khai các hoạt động.
Trong năm 2012, ngành du lịch sẽ có các chiến dịch nhằm thay đổi khái niệm, nhận thức về du lịch cộng đồng trong xã hội, như các nước Ấn Độ, Kenya đã thực hiện rất tốt và thành công. Cụ thể, nhận thức về du lịch cộng đồng phải thay đổi theo hướng: người dân bản địa không phải đóng góp xây dựng du lịch, các DN khai thác du lịch trên địa bàn là lực lượng đóng góp chính để xây dựng, phát triển du lịch với việc đóng 10% doanh thu, lợi nhuận cho địa phương.
Năm 2012, các chương trình trọng điểm du lịch sẽ triển khai thuận lợi hơn nhờ nguồn tài trợ 11 triệu USD của Liên minh châu Âu (EU) cho Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội giai đoạn 2011-2015.
Đón sóng du lịch mới
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho hay, theo dự báo của Tổ chức Du lịch quốc tế, khách du lịch trên thế giới đang có xu hướng thay đổi, chuyển dần sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam đón làn sóng du khách thời gian tới.
Ngoài ra, sự kiện Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thế giới mới, nhiều địa danh ngày càng được thế giới biết đến, như Phong Nha, Sapa, Đà Lạt, Nha Trang, Bà Nà, Phú Quốc... đang đặt du lịch Việt Nam trước những vận hội mới.
Trên thực tế, Việt Nam rất giàu có về các địa danh, di sản được thế giới công nhận. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế tăng trưởng chậm. Hơn 10 năm qua, trung bình mỗi năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 300.000-400.000 lượt, trong khi một số nước láng giềng, mức tăng tới hàng triệu lượt/năm. Đơn cử, năm 2011, du lịch Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt, song vẫn đón tới hơn 18,3 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2010. Năm 2012, Thái Lan cũng đặt mục tiêu đón 19,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 1 triệu lượt khách quốc tế so với năm 2011.
Như vậy, để cạnh tranh với các nước láng giềng, ngành du lịch phải có cơ chế thu hút DN đầu tư vào ngành du lịch. Theo tính toán của ngành du lịch, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành du lịch 10 năm tới lên đến 42,5 tỷ USD. Các DN lữ hành cho hay, điều làm các DN lo lắng nhất với thị trường du lịch năm 2012 là hàng loạt yếu tố đầu vào tăng giá, như trần giá vé máy bay, phòng khách sạn… đua nhau tăng, đe dọa khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nguồn: baodautu.vn