Tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu

08:50:26 | 16/4/2024

Lạng Sơn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Với những giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đến thu hút đầu tư, đến nay khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng địa phương theo đúng mục tiêu đề ra. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Đồng Đăng  - Lạng Sơn.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong bốn chương trình trọng tâm kinh tế là: “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh”. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế cửa khẩu thời gian qua tại Lạng Sơn?

Những năm qua, KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2008 - 2012 tăng 14%/năm, giai đoạn 2011 – 2023 tăng 7,67%/năm; GRDP của KKTCK năm 2010 đạt 4.157,8 tỷ đồng và đến năm 2023 đạt 18.619,8 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2010. Trong đó, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành công nghiệp – xây dựng (tăng 9,73%), tiếp đến là ngành dịch vụ có mức tăng trưởng là 7,8%, ngành có mức tăng trưởng thấp nhất là ngành nông nghiệp, tăng trưởng 3,65%/năm. Cơ cấu kinh tế trong KKTCK chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần và ngành nông, lâm nghiệp giảm dần, phù hợp với xu thế chung.

KKTCK đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP của tỉnh: Năm 2010 chiếm khoảng 35,42% GRDP toàn tỉnh, đến năm 2023 đạt mức 40,33%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào KKTCK trong 14 năm là 77.010 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 11.574,6 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2010.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, những năm gần đây thường xuyên có từ 2.800 - 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2008 - 2023 đạt 51.487 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất nhập khẩu qua KKTCK đạt trên 41.101 triệu USD, bằng 70% tổng kim ngạch toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập cảnh diễn ra ngày càng sôi động. Giai đoạn 2008 - 2023 có khoảng 27,6 triệu lượt người xuất nhập cảnh (bình quân mỗi năm có khoảng 1,8 triệu lượt người), tổng số phương tiện xuất nhập cảnh đạt trên 6,0 triệu lượt phương tiện.

Tổng thu ngân sách trong KKTCK giai đoạn 2008 - 2023 đạt trên 88.365 tỷ đồng, trong đó thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu liên tục tăng qua các năm, giai đoạn 2012 - 2023 tại 4 cửa khẩu trong KKTCK thu đạt 5.291,9/6.402,7 tỷ đồng, chiếm trên 82% số thu trên toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 58.891 tỷ đồng.

Những kết quả trên đã khẳng định hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ tại KKTCK diễn ra rất sôi động, là “lực kéo” quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.

Trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Ban đã phát huy tốt vai trò đầu mối quản lý tại cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hoá ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, với vai trò đầu mối tại các khu vực cửa khẩu, Ban đã phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo không tiếp tục thực hiện phương án thiết lập vùng xanh, giảm cấp độ phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, gỡ bỏ các khu vực vùng đệm. Chỉ đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (cửa khẩu có lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn) làm việc xuyên trưa; chỉ đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu tiếp tục triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt, sử dụng biên lai điện tử đối với phí thu phương tiện vận tải hàng hoá sang tải theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh. Đồng thời chủ trì xây dựng kế hoạch điều tiết, phân luồng phương tiện chở hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị trong thời gian cao điểm (năm 2023 đã thống nhất với các lực lượng thực hiện 03 đợt điều tiết) vào Khu phi thuế quan nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho thông quan hàng hoá.

Ban cũng chủ trì tổ chức 02 hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn. Thông qua hội nghị đã thông tin đến doanh nghiệp tình hình xuất nhập khẩu, lắng nghe đề xuất, kiến nghị, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, Ban luôn chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác đối ngoại, đặc biệt là tổ chức các đoàn công tác trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc.

Trong năm 2023, đã chủ trì tham mưu tổ chức 15 cuộc hội đàm, trao đổi, làm việc; gửi 53 thư công tác, tổ chức 04 đoàn ra, tiếp đón 08 đoàn vào với các cơ quan tương ứng phía Quảng Tây (Trung Quốc). Qua đó thống nhất được nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì triển khai thực hiện nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh; duy trì có hiệu quả Tổ công tác liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 12/6/2021 của UBND tỉnh; tham mưu thực hiện công tác chuẩn bị cho việc mở rộng cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan đến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hiện nay trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại 07 cửa khẩu ổn định, thông suốt với hiệu suất thông quan cao, trung bình đạt khoảng 1.200 xe/ngày, cao điểm đạt trên 1.350 xe, trong đó xuất khẩu trung bình khoảng 400 - 450 xe/ngày, nhập khẩu trung bình khoảng 750 - 800 xe/ngày.

Kết quả thu phí theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND năm 2023, tổng thu phí đạt 660.705,1 triệu đồng, tăng 108,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phí sang tải đạt 103.674,9 triệu đồng, tăng 119,6%.


Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan tại cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

Năm 2024, để sớm hoàn thành việc Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn làm cơ sở điều chỉnh các quy hoạch tiếp theo, Ban đã đề ra những giải pháp, hoạt động cụ thể nào?

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương gửi UBND tỉnh Lạng Sơn. Ban sẽ tham mưu UBND tỉnh văn bản giải trình và hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045 trình Bộ Xây dựng làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Sau khi được phê duyệt, Ban sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình tự thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn và triển khai lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045 trình Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ban cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và biên giới; huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong KKTCK với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa.

Song song với đó, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế, với các quy hoạch khác của tỉnh cũng như quy hoạch của địa phương đối diện phía Trung Quốc, tăng cường công tác quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt.

Trâm trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum